Cuộc sống

Đón xuân này lại nhớ những xuân xưa

Cứ mỗi khi năm hết tết đến là tôi thường nhớ về những cái tết năm xưa. Tết của ấu thơ, tết của những tháng năm nghèo khó. Nhớ để yêu, nhớ để thương thêm. Nhớ để nhận ra mình đã quá xa xôi những ngày ngây dại.

Tết trong kí ức của tuổi thơ tôi luôn bắt đầu bằng những ngày mọi người ra đồng gieo cấy vội. Những ngày cuối năm luôn rét mướt, những đôi chân trần lội dưới bùn tê tái, tay thoăn thoắt cấy mạ, miệng bàn chuyện tết. Nhà này hỏi nhà kia đã sắm tết những gì? Ăn tết có to không?

Tết trong kí ức của tôi là những ngày cuối năm hửng nắng, cái rét và cái nắng hòa vào nhau khiến làn da trẻ con trở nên hồng hào nứt nẻ. Những buổi ấy mẹ thường dậy đi chợ thật sớm để chọn được ống giang to, để chọn cuộn lá dong đẹp. Rồi về mẹ sẽ sai chúng tôi ngồi rửa kĩ từng chiếc lá một, sau đó xếp chồng lên nhau buộc chặt vào cây cột nhà để đến khi gói bánh lá vẫn thẳng và không héo. Ông nội tôi mài con dao thật sắc rồi đem ống giang ra ngồi ở mé thềm bắt đầu chẻ, vót từng sợi lạt mỏng manh trắng muốt để buộc bánh chưng.

Tết trong kí ức của tuổi thơ tôi là những ngày chộn rộn mong bố về. Bố tôi đi làm ăn xa, năm chỉ về một, hai lần. Trong thư gửi về hàng tháng, bố luôn dặn mấy chị em ở nhà ngoan chăm học, nghe lời mẹ thì bố về sẽ có quà. Quà của bố khi là đôi giày, khi là manh áo mới…Bất kể nó là gì thì cũng là niềm mong ngóng háo hức của chúng tôi.

Tôi nhớ những đêm giao lắc rắc mưa bay. Mẹ tôi gọi đấy là mưa xuân, mưa không ướt áo. Trong tiếng râm ran của tiếng nhạc từ đài cát sét, trong khói hương trầm thơm ngát tỏa ra từ ban thờ, bố tôi chắp tay thì thầm khấn vái, mẹ tôi lụi cụi với mấy đĩa bánh mật, bánh trôi. Còn mấy anh em tôi lăng xăng chờ nhận tiền mừng tuổi.

Năm đầu tiên ăn tết ở nhà chồng cách nhà mình hơn hai trăm cây số, vào những ngày cuối năm bận rộn chợ búa bếp núc, gói bánh, muối hành, nỗi nhớ nhà càng thấm thía. Và thế nước mắt cứ chực ứa ra. Bỗng thèm vô cùng được nhìn lại dáng mẹ lụi cụi bóc hành muối dưa, thèm được đứng ở cửa đón bố về với chiếc túi xách nặng trĩu, thèm cảm giác mặc manh áo mới rồi chạy khoe bè bạn xóm giềng, thèm được ngồi trong căn nhà mình đã nương náu suốt quãng đời ấu dại.

Năm tháng qua đi, mẹ cha đã không còn trẻ, anh em đã lập gia đình. Những yêu thương xưa, nay san năm sẻ bảy. Con trai còn phải lo cho vợ con, con gái phải chu đáo với nhà chồng. Có lần gọi điện cho bố bảo “hay tết này còn xin phép nhà chồng về ăn tết với bố mẹ”, vừa dứt câu đã nghe bố quát: “Mi cứ lo tết nhất bên chồng, không phải lo chi ở nhà cả. Đường sá xa xôi cách trở, về được thì vui, không về được cũng không sao. Làm thân con gái, sống sao cho nhà chồng thương là được”. Là bố tôi nói thế thôi chứ hôm trước đó gọi về cho mẹ, mẹ bảo bố vẫn thường hay nhắc “Tết nhìn nhà người ta sum vầy, nhớ con đến nẫu ruột nẫu gan”. Mẹ với bố khác nhau là ở chỗ đó. Mẹ nhớ thì mẹ nói nhớ, còn bố thì cứ tỏ ra khô khan, khắt khe nhưng trái tim cũng có lúc yếu mềm nhiều suy nghĩ.

Lẽ đời, ai rồi cũng phải lớn lên, cũng đến lúc phải lo cho tổ ấm riêng của mình, đến lúc phải để cho những kỉ niệm ấu thơ nằm vùi trong kí ức. Chỉ cần mỗi năm, cứ tết đến xuân về, có thể gọi điện về nhà chúc mẹ cha một câu chúc sức khỏe đầu năm mới. Rồi sau đó nghe giọng cha thân thương nhắn gửi, nghe giọng mẹ âu yếm nhớ mong. Phận làm con, đi qua gần nửa cuộc đời, vẫn còn mẹ, còn cha để mong ngóng hướng về, đó coi như là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.

Tác giả: Lê Giang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP