Kinh tế

Đơn thuốc đắt đỏ, tiền thực phẩm chức năng cao gấp 10 lần tiền thuốc

"Một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi thuốc điều trị chỉ 400.000 đồng; đơn thuốc đắt đỏ nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ viện ra về" - đại biểu Hiếu nói.

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới chi phí đắt đỏ và giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay.

Người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) dẫn thông tin trong đơn thuốc của một bệnh viện tại Hà Nội, một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi tiền thuốc điều trị chỉ 400.000 đồng

"Các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ viện ra về. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

"Một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên là do chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" - ông Hiếu bày tỏ.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, về nguyên tắc, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, dự thảo mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề, tập trung vào một số quy định.

Ông Hiếu cho rằng, các quy định này vừa thiếu lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.

"Rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như tờ trình Chính phủ đã xác định" - ông Hiếu nêu rõ và kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh.

Cũng theo ông Hiếu, dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh, gồm: Trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh; trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.

Cần có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh

Thảo luận về dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) chỉ rõ, Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Trung ương về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu "đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là đầu tư cho phát triển".

Đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 vì sau một thời gian thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập mà chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề về quản lý người hành nghề quản lý cơ sở khám, chữa bệnh chưa điều chỉnh; một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh như khám bệnh, chữa bệnh từ xa, điều trị nội trú ban ngày, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu ngoại viện, phòng ngừa sự cố y khoa…

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Ảnh: Quochoi.vn).

Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.

"Khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi giá cho khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua" - đại biểu cho hay.

Liên quan tới vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, tại Khoản 5 Điều 51 của dự thảo Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Nữ đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tác giả: Quang Phong - Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP