Thế giới

Đối thoại Shangri-La "nóng" vấn đề Biển Đông và Triều Tiên

Các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có căng thẳng ở Biển Đông hay những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, dự kiến là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La 2018 diễn ra ở Singapore từ ngày 1-3/6.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018. (Ảnh: Foreign Policy)

Các bộ trưởng, quan chức quân đội từ hơn 40 quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương cuối tuần này nhóm họp tại Đối thoại Shangri-la 2018 ở Singapore để thảo luận về các thách thức an ninh trong khu vực.

Hai vấn đề được cho là sẽ làm "nóng" diễn đàn gồm có những căng thẳng trên Biển Đông và những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ thảo luận về các vấn đề như mối đe dọa khủng bố, nguy cơ xung đột trong tương lai trong khu vực.

Đây là năm Đối thoại Shangri-La có sự tham gia đông nhất của các bộ trưởng quốc phòng trong khu vực. Hơn 10 bộ trưởng sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là lãnh đạo đầu tiên có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Bài phát biểu được dự đoán sẽ tập trung vào vai trò chiến lược của Ấn Độ trong khu vực cũng như tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis dự kiến sẽ "đăng đàn" trong ngày họp thứ hai để nói về vai trò của Mỹ trong khu vực. Trước đó, Bộ trưởng Mattis cho biết, tại Đối thoại Shangri-La, ông sẽ có những cảnh báo cứng rắn với các động thái quân sự hóa trên Biển Đông.

Ngoài ra, người đứng đầu Lầu Năm Góc có thể sẽ nói về những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào giữa tháng này để bàn vấn đề giải trừ hạt nhân.

Đối thoại Shangri-La bắt đầu được triển khai từ năm 2002 nhằm tạo một cơ chế đối thoại đa phương chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh quốc phòng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội để giới chức an ninh ở các quốc gia khác nhau tiến hành các cuộc họp bên lề nhằm củng cố quan hệ.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP