Du lịch

Độc đáo núi Ba Thê

Núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, dã ngoại... nhờ phong cảnh sơn thủy 
hữu tình, khí hậu mát mẻ 
quanh năm.

Núi Ba Thê nổi lên giữa xung quanh bốn bế đồng ruộng - Ảnh: Đ. Vịnh
Theo tỉnh lộ 943 từ TP Long Xuyên về huyện Thoại Sơn, từ xa đã nhìn thấy rõ núi Ba Thê nổi lên giữa bốn bề đồng lúa bạt ngàn.
Thị trấn Óc Eo nằm bên chân núi mang dáng dấp như một phố thị nhỏ ở vùng trung du, điều hiếm gặp ở miền Tây Nam bộ. Từ đây có những tuyến đường nhựa chạy vòng quanh triền núi, hai bên là những xóm thôn tĩnh mịch.
Sơn thủy hữu tình
Nằm nhô lên giữa vùng đồng bằng, từ trên đỉnh Ba Thê trải tầm mắt xa xa về hướng tây là dãy Thất Sơn lô nhô chập chùng, về hướng đông nam là vịnh Thái Lan lờ mờ phía chân trời. Vào mùa nước nổi, nhiều cánh đồng cho xả lũ vào ngập trắng nước mênh mông, đó đây là những xóm làng nép mình bên những dòng kênh thẳng tắp đan xen như bàn cờ.
“Nhìn xung quanh trời đất bao la trông như một bức tranh thủy mặc sơn thủy hữu tình” - ông Nguyễn Hữu Giềng, giám đốc Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo, nói.
Không chỉ ẩn chứa nhiều di chỉ, hiện vật của nền văn hóa Phù Nam cổ xưa, Ba Thê còn mang nhiều giai thoại về lịch sử, văn hóa của vùng đất mới khai mở này.
Trên núi có ngôi chùa cổ Sơn Tiên Tự, trước sân dựng bức tượng Phật Quan Thế Âm cao 8m đứng trên tòa sen vừa uy nghi vừa thánh thiện với ánh mắt hiền từ bao quát cả nhân gian.
Bên hông chánh điện có tảng đá hoa cương to bằng con voi cao 3m, trên mặt in dấu bàn chân người khổng lồ mà dân làng cho đó là “bàn chân tiên” do một vị tiên đã ấn bàn chân mình lên đá để làm dấu...
Thạch đại đao trên đỉnh núi Ba Thê - Ảnh: Đ.Vịnh
Ở mỏm núi phía bắc có một tảng đá hình dáng như một cây đao khủng, dài 320cm. Người dân kể xưa kia vào một đêm mưa bão sấm chớp liên hồi, sét đánh bày ra một tảng đá to, thấy nó có hình dạng cây đao nên bà con gọi đó là thạch đại đao rồi lập đền thờ.
Ven triền núi còn một ngôi chùa cổ nổi tiếng khác là Linh Sơn Tự thờ hai tấm bia đá cổ và tượng vị thần có bốn tay, vốn là tượng thần Vishnu trong Bà La Môn Giáo, giống như tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam Châu Đốc.
Chùa mang nét cổ kính, trầm mặc giữa khuôn viên rộng với hàng cây cổ thụ cao vút, thẳng tắp.
Địa điểm dã ngoại 
hấp dẫn
Trên núi quanh năm lộng gió, không khí trong lành mát mẻ, những tháng cuối năm tiết trời se lạnh, mây mờ lãng đãng chập chùng khiến du khách có cảm giác như đang ở Đà Lạt, thị trấn Óc Eo như một phố núi ở vùng cao nguyên.
“Hằng ngày nhiều người dân địa phương thường đi bộ lên tận mỏm Sơn Tiên vừa tập thể dục, vừa thư giãn, tịnh tâm. Dịp nghỉ cuối tuần, nhiều học sinh các nơi đến tham quan, vui chơi” - ông Đinh Văn Cảnh, phó chủ tịch thị trấn Óc Eo, cho biết.
Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều du khách, giới thanh niên, sinh viên học sinh thường tổ chức các chuyến sinh hoạt dã ngoại, lên núi Ba Thê để khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, vừa thưởng ngoạn phong cảnh.
Đỉnh Sân Tiên trên đỉnh núi Ba Thê, hằng ngày người dân địa phương thường tản bộ lên tận đây vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thư giãn - Ảnh: Đ. Vịnh

“Nằm cách TP Long Xuyên chỉ chừng 40km. Trên núi rừng xanh tốt, người dân trồng nhiều vườn cây ăn trái, có những trảng đất rộng bằng phẳng rất thích hợp cho việc tổ chức sinh hoạt tập thể, vui chơi, picnic rất hấp dẫn” - anh Lê Văn Thành, trưởng nhóm sinh viên ĐH An Giang, cho hay.
Khách đến thị trấn Óc Eo ghé chợ mua sắm thực phẩm, những vật dụng cần thiết rồi phóng xe thẳng lên đỉnh núi tha hồ tham quan, khám phá. Trưa mắc võng hoặc trải bạt nằm thư giãn dưới những tàn cây lộng gió du dương.
Sau một ngày rong ruổi, khi chiều xuống tiếng chuông chùa ngân vọng khắp núi rừng, không gian trầm mặc, lắng đọng làm tâm hồn như tĩnh lặng lại, lòng người có cảm giác thoát tục, nhẹ nhàng...
Núi Ba Thê sẽ là khu du lịch trọng điểm
Tại núi Ba Thê, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết những di chỉ, di vật khảo cổ ở đây được giữ gìn phục vụ việc tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa. Tỉnh đang quy hoạch và có chính sách thu hút đầu tư khu vực núi Ba Thê trở thành trung tâm văn hóa lịch sử và du lịch trọng điểm quốc gia.

Tác giả bài viết: ĐỨC VỊNH

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP