Giáo dục

Độc đáo hát ví, giặm bằng tiếng Anh

Với mong muốn làn điệu ví, giặm của quê hương được lan tỏa và thấm sâu trong thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế và góp phần tạo hứng thú trong học môn Tiếng Anh, năm học 2015-2016, cô giáo Đặng Thị Phương Anh, giáo viên Trường THPT Nghi Xuân đã thành lập CLB hát ví, giặm bằng tiếng Anh.

Mỗi tháng, CLB sinh hoạt 1 lần, theo chủ đề, chủ điểm hướng đến các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Cô trò sử dụng lời thơ có sẵn, chuyển thể thành các bài hát tiếng Anh theo làn điệu ví, giặm và tổ chức trò chơi để các em luyện từ mới, ngữ pháp. Ngoài ra, lồng ghép trong các tiết sinh hoạt đầu giờ, chào cờ đầu tuần hay trong tiết học hát ví, giặm bằng tiếng Anh cũng được các em hào hứng tham gia. Hiện nay, nhiều thành viên CLB thường xuyên cộng tác với chương trình dân ca Nghệ Tĩnh trên Đài PT&TH Hà Tĩnh, Nghệ An...
102d305t8082l0
Cô, trò Trường THPT Nghi Xuân hát ví, giặm bằng tiếng Anh trong tiết sinh hoạt ngoại khóa.

Không chỉ truyền niềm đam mê và phương pháp dạy mới mẻ cho giáo viên và học sinh Trường THPT Nghi Xuân, cô Phương Anh còn triển khai thể nghiệm mô hình này đến nhiều trường tiểu học, THPT trên địa bàn tỉnh như THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh), THPT Đồng Lộc (Can Lộc), thậm chí, vươn ra tỉnh Nghệ An như Trường Tiểu học Bến Thủy (TP Vinh).

Theo cô Phương Anh, áp dụng phương pháp này giúp môn tiếng Anh không bị khô khan, tạo không khí mới, học sinh hứng thú hơn, cũng như thấy được ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm. Hơn nữa, khi hát ví, giặm bằng tiếng Anh, sức lan tỏa ngày càng nhanh, giúp người ngoại quốc có thể hát và hiểu được hồn của bài hát. Ban đầu, cô lựa chọn các bài hát, bài thơ đơn giản, dễ hiểu chuyển thể trên nền làn điệu gốc như giặm Đức Sơn, ví đò đưa sông Lam, làn khuyên chuyển thành các bài hát: My teacher is best, The friend I found in you, Friendship, The colours of the rainbow… Cho đến nay, cô đã soạn lời mới 30-40 bài hát trên cơ sở làn điệu gốc.

Cô Phương Anh chia sẻ: “Sáng tác dân ca bằng tiếng Việt thì dễ, vì chỉ cần dựa vào làn điệu gốc. Song chuyển lời bằng tiếng Anh thì rất khó. Bởi khi chuyển lời cần phải đảm bảo nội dung, ngữ nghĩa, vừa phải đúng làn điệu, tiết tấu, trong khi đó, năng lực tiếng Anh, thủ thuật chuyển ngữ sang tiếng Anh trong giới học đường còn hạn chế”.

Các cấu trúc khó được đưa ra thảo luận khi họp tổ bộ môn và giáo viên các trường khác cùng “vào cuộc” để đưa ra cấu trúc đúng. Các học sinh cũng bắt đầu “tập sự” với việc chuyển thể, điều này giúp các em có thêm vốn từ mới và học thêm cấu trúc câu.

Em Đinh Thị Thùy Dung - thành viên CLB cho biết: “Chúng em vừa được học tiếng Anh, vừa được học hát làn điệu ví, giặm; giúp giảm căng thẳng, lại có thể luyện từ mới, khả năng giao tiếp, cấu trúc câu... Cô giáo đã truyền cho chúng em niềm hứng thú vô tận với bộ môn Tiếng Anh và với làn điệu dân ca của quê hương”.

102d305t9509l1
Cô, trò CLB đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan dân ca Nghệ Tĩnh năm 2016

Tuy mới thành lập nhưng khi “mang chuông đi đánh xứ người”, cô, trò CLB đã đạt kết quả cao trong nhiều liên hoan dân ca ví, giặm học đường toàn tỉnh. Nhiều nhân tố của CLB là hạt nhân của các chương trình văn nghệ trong và ngoài huyện. Mới đây, đề tài “Nghiên cứu về việc chuyển dân ca ví, giặm sang tiếng Anh góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh áp dụng trong phạm vi trường THPT” do cô Phương Anh hướng dẫn đã giành giải ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức.

Những thành công này là động lực để cô, trò Trường THPT Nghi Xuân tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động CLB. Đây cũng là phương pháp dạy học mới, vừa mang đến hứng thú cho học sinh, vừa gìn giữ nét văn hóa nghệ thuật trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.

Tác giả bài viết: Thu Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP