Kinh tế

Doanh nghiệp Việt mới đáp ứng được gần 38% nguyên liệu cho khối FDI

Doanh nghiệp Việt gia công cho nước ngoài mới chỉ cung cấp được khoảng gần 38% nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI.

Tại buổi họp báo công bố Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 diễn ra sáng 19/9, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả, không cung cấp được nguyên liệu phụ trợ từ các ngành sản xuất trong nước cho hoạt động gia công, đặc biệt đối với hai nhóm ngành hàng điện thoại và điện tử máy tính.

Cụ thể theo ông Lâm, tổng phí gia công mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 đạt 8,6 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Trong khi đó, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỉ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này đưa đến việc các doanh nghiệp FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỉ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công.

Nhiều sản phẩm phụ trợ của Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)

Riêng đối với hoạt động gia công hàng hóa có liên quan đến nguyên liệu đầu vào, do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu nên tỉ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 62,3%. Trong đó, cao nhất là nhóm hàng điện thoại với 78,9%, điện tử máy tính là 76,4%, dệt may là 67,1% và giày dép là 47%.

Hầu hết các sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp tại Việt Nam được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công đạt thấp với 3,9%, trong đó thấp nhất thuộc về nhóm sản phẩm điện thoại và dệt may, tỷ lệ để lại tiêu thụ tại Việt Nam tương ứng với 2 sản phẩm này là 0,2% và 1%.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gia công cho nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI chẳng hạn như Tập đoàn Samsung mang tính toàn cầu, sản phẩm của tập đoàn này cung cấp cho thị trường thế giới là chính. Nên qua điều tra, Tổng cục Thống kê tính thêm trong gia công có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ sản phẩm được dùng cho thị trường trong nước và thấy tỷ lệ này còn rất ít.

“Nguyên vật liệu phụ trợ là điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam, khi Việt Nam chưa tham gia cung cấp được nguyên vật liệu phụ trợ để tham gia trong chuỗi liên kết của các doanh nghiệp FDI. Chính phủ đang có giải pháp để tăng cường nguyên vật liệu phụ trợ, tăng tính gắn kết của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI”, ông Lâm phân tích.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng vụ thống kê thương mại dịch vụ, hoạt động gia công sản phẩm cho nước ngoài tại Việt Nam theo kết quả điều tra hiện có 1.687 doanh nghiệp gia công. Nguyên vật liệu chính phục vụ cho quá trình gia công có nguồn gốc chủ yếu từ các đối tác nước ngoài nên doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu nhiều, tập trung chủ yếu vào ngành dệt may và da giày.

“Kết quả từ hoạt động gia công giúp Việt Nam thu 8,6 tỉ USD và giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động. Nhưng doanh nghiệp gia công cho nước ngoài chỉ cung cấp được khoảng gần 38% nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI, và nhà quản lý doanh nghiệp chỉ học được kinh nghiệm tiên tiến của đối tác để nâng cao trình độ tay nghề”, ông Tiến cho biết./.

Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP