Tuân thủ công tác phòng, chống dịch
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã liên tục có các văn bản chỉ đạo các bến xe, phương tiện vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Sỹ Đông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Quản lý bến xe khách Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 7 bến xe. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trung tâm đã chỉ đạo 100% các bến xe quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh trong công tác phòng, chống dịch.
Công tác phun khử khuẩn được các bến xe thực hiện nghiêm túc. |
Các bến xe đã tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+vắc xin”; phun khử khuẩn 100% các xe khi về bến đón, trả khách, đặc biệt là các xe chạy tuyến ngoại tỉnh; thực hiện giãn cách trong tiếp xúc và giao dịch tại bến xe cũng như đối với các hành khách đi xe; hạn chế tối đa việc tập trung đông người; 100% khách hàng, lái xe, phụ xe khi đến giao dịch tại các bến xe đều phải thực hiện khai báo y tế (qua phần mềm Bluzone, NCovi...).
Trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Y tế, đến nay, trung tâm đã biên tập và phát hành hơn 25.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn giao thông kết hợp phòng, chống dịch Covid-19, được đông đảo nhà xe, hành khách hưởng ứng, lan tỏa tinh thần chống dịch trong cộng đồng.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện “nhiệm vụ kép”, trung tâm đã thường xuyên cập nhật bản đồ các điểm dịch, vùng dịch để công bố tại các bến xe và thực hiện biểu đồ chạy xe; đồng thời, khuyến cáo hành khách trong quá trình di chuyển bằng phương tiện ô tô khách có các biện pháp tự bảo đảm an toàn phòng dịch. Bên cạnh đó, trung tâm cũng điều động cán bộ tham gia các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND TP. Đồng Hới lập chốt kiểm soát tại bến xe Đồng Hới với vai trò chốt trưởng...
Thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa chống dịch, Sở GTVT chỉ đạo các tuyến xe trong tỉnh và trong nước vẫn hoạt động bình thường nhưng đối với các tuyến đi và đến từ tỉnh, thành phố, vùng có dịch theo thông báo của Bộ Y tế thì tạm dừng hoạt động để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Các phương tiện từ các tỉnh, thành phố có dịch đi qua tỉnh Quảng Bình không được dừng, đỗ, đón, trả khách trên địa bàn tỉnh và tuân thủ theo quy định tại các chốt kiểm dịch phòng, chống Covid-19…
Bảng thông báo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được Bến xe Đồng Hới đặt ngay lối ra vào bến xe. |
Hoạt động kinh doanh thất thu
Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trải qua 4 làn sóng dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội cả nước nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng đã bị ảnh hưởng lớn, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải.
Với tần suất hoạt động và lượng khách sụt giảm, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải bị giảm mạnh từ 70%-80%, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Hội trưởng xe du lịch Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Việt Nam tour Quảng Bình cho biết: “Hội hiện có 45 thành viên. Vào những năm trước, đây là cao điểm mùa du lịch, là mùa hoạt động đem lại nguồn thu chủ yếu cho doanh nghiệp vận tải du lịch. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, lượng khách du lịch giảm mạnh, các đơn vị vận tải du lịch cơ bản tạm ngừng hoạt động vì không có khách, thời gian chạy chỉ bằng 1/10 so với trước đây”.
Trước khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp phải cho đội ngũ lái xe nghỉ việc. Một số doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng đầu tư mua xe, giờ không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng nên rơi vào cảnh khó khăn, có doanh nghiệp không trụ nổi phải bán xe để trả nợ.
Xe ô tô của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Việt Nam tour Quảng Bình “nằm bãi” vì không có khách. |
Ngay với công ty của anh Hùng, công ty cũng mới đầu tư mua 3 chiếc xe vận tải du lịch năm 2020, chưa kịp thu hồi vốn thì bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hiện mỗi tháng công ty phải trả lãi ngân hàng tầm 20-30 triệu đồng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”, Sở đã liên tục cập nhật tình hình diễn biến của dịch bệnh để có các văn bản chỉ đạo kịp thời, phù hợp đối với hoạt động giao thông vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe… trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, sở đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: miễn giảm lãi suất vay, giãn nợ, miễn giảm các loại thuế, phí đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải tại địa phương; tạm dừng việc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách do khai thác không đủ số chuyến đã đăng ký…
Đối với Bộ GTVT và các cơ quan Trung ương, Sở cũng đã có đề xuất miễn, giảm phí bảo trì đường bộ, các chi phí logistic đường bộ, đường thủy nội địa đối với các phương tiện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; miễn giảm cước viễn thông của thiết bị giám sát hành trình gắn trên các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải; có chính sách cụ thể hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp vận tải hiện đang không có việc làm…
Toàn tỉnh hiện có khoảng 86 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể kinh doanh vận tải hành khách với 1.180 phương tiện vận tải khách các loại. Nhằm bảo đảm thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở GTVT đã có công văn tạm dừng các phương tiện này đi từ tỉnh Quảng Bình đến các tỉnh, thành phố (cả chiều ngược lại): Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng)… và các địa bàn có dịch khác theo thông báo của Bộ Y tế.
Tác giả: Lê Mai
Nguồn tin: Báo Quảng Bình