Diễn đàn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước trao đổi về các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh mới ở Việt Nam, các thách thức trong lĩnh vực hoạt động cũng như những thông tin mới về người tiêu dùng và các nhà sản xuất.
Đại diện doanh nghiệp Pháp chia sẻ về kế hoạch hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam |
Phát biểu tại diển đàn, ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Công vụ và Hành chính công nước Cộng hòa Pháp đánh giá sau 30 năm, Việt Nam đã tăng cường hội nhập quốc tế và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đồng thời, Việt Nam ngày càng mở cửa nền kinh tế với các nước EU. Do đó, ông hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Pháp gồm các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Pháp không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Vừa qua, doanh nghiệp Pháp đã ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Gérald Darmanin đánh giá cao chất lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam và cho biết những cam kết trong hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai nước sẽ được cụ thể hoá trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Pháp đến Việt Nam.
Ông François Corbin, Chủ tịch phái đoàn Medef, Giám đốc phát triển của Tập đoàn Michelin cho biết đây là đoàn doanh nghiệp thứ 13 của Pháp sang Việt Nam trong năm 2018. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc và ngày càng mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Pháp nhận thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển cho kế hoạch kinh doanh mới và tin tưởng sẽ thành công khi làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Lộ trình thông qua hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang diễn ra thuận lợi là một tin mừng vì khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ có tác động tích cực đến kế hoạch mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.
Với những tiềm năng hấp dẫn của thị trường Việt Nam, ông Valentin Tran, Giám đốc Tập đoàn chế biến trái cây Andros chia sẻ Việt Nam có dân số hơn 90 triệu dân, năng động và nhu cầu tiêu dùng cao. Tập đoàn đã quyết định đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu hướng đến thị trường tiêu dùng trong nước và phát triển ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Valéry Gaucherand, Giám đốc L’Oréal tại Việt Nam bày tỏ lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam. Ông nhận định tốc độ phát triển của thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ hơn so với 10 năm về trước với sự bùng nổ của các kênh phân phối mới như thương mại điện tử hay các chuỗi cửa hàng mỹ phẩm. Tỷ lệ chi tiêu và sử dụng mỹ phẩm trên đầu người tại Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan. Tuy nhiên thị trường Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến những mỹ phẩm chất lượng, sản phẩm thời thượng với sự tư vấn của chuyên gia.
Diễn đàn doanh nghiệp Pháp – Việt là một hoạt động của sự kiện Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đến thăm và làm việc tại TP.HCM trong ngày 4/11.
Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã có cuộc hội kiến với Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội trường Thống nhất.
Tại cuộc gặp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Edouard Philippe và đoàn đại biểu cấp cao đến Việt Nam một lần nữa cho thấy mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước và tiếp tục thúc đẩy trên giai đoạn hợp tác mới.
Trong khi đó, Thủ tướng Edouard Philippe bày tỏ mong muốn mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Trước đó, Thủ tướng Edouard Philippe đã dự sự kiện khai trương Trung tâm Y tế Pháp tại TP.HCM. Đây là nơi tập trung phòng khám đa khoa quốc tế, các doanh nghiệp ngành y tế của Pháp tại Việt Nam...
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký bản kế hoạch hành động Việt Pháp giai đoạn 2019 - 2020 trong lĩnh vực y tế. Theo đó, bản ký kết tập trung vào 4 lĩnh vực gồm đào tạo nguồn nhân lực y tế, phòng chống các bệnh nhiễm trùng, đào tạo quản trị y tế, huyết học truyền máu.
Tác giả: Hồng Sơn – Thành Vân
Nguồn tin: Báo Đầu tư