Sản xuất tại Công ty Nhựa Bình Minh. Ảnh: CAO THĂNG |
Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Nhìn nhận về việc Tập đoàn SCG mua lại cổ phần Công ty Nhựa Bình Minh, đại diện Hiệp hội Nhựa TPHCM cho rằng, có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành nhựa Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới và đây là động lực hấp dẫn DN ngoại đổ mạnh vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cụ thể, dự báo mức tiêu thụ nhựa mỗi người Việt ước đạt 45kg/người/năm. Việt Nam hiện đã và đang là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Gần đây nhất, Việt Nam đã ký kết thành công Hiệp định CPTPP. Mặt khác, thời hạn áp dụng mức thuế ưu đãi này với 13 FTA còn lại cũng đã đến rất gần. Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu nhựa rất lớn cho các DN trong nước với khả năng cạnh tranh cao, nhờ được áp mức thuế ưu đãi về 0% trong lộ trình 5 - 7 năm.
Về thị trường trong nước, ngành bất động sản, xây dựng đang có những phục hồi tích cực, thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng tăng mạnh. Khi Việt Nam trở thành thành viên của các FTA đã tạo nên độ mở rất lớn của thị trường, thu hút hàng loạt nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đã kéo theo sự tăng trưởng mạnh trong phân khúc nhựa kỹ thuật. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ nội địa và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ nhựa ngày càng tăng cao, vì tính chất phổ biến cũng như ứng dụng rộng rãi của nhựa trong nhiều ngành kinh tế và công nghiệp khác như điện, điện tử, viễn thông, truyền thông và vận tải, thủy sản, nông nghiệp…
Theo GS-TSKH Lưu Dzuẫn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, ngành nhựa luôn được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt 16% - 18%/năm. Hiện nhu cầu về bao bì thực phẩm tại Việt Nam tăng 38%; chưa kể, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang tiếp tục tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm thực phẩm chất lượng, ngành bao bì nhựa càng có cơ hội phát triển.
Mua bán và sáp nhập để nhanh mở rộng thị trường
Nắm bắt được xu hướng này, các tập đoàn nhựa Thái Lan đã không ngừng đẩy mạnh vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, thông qua hoạt động mua lại cổ phần của các công ty nhựa đã có thị phần lớn và ổn định trong nước. Chỉ tính riêng Tập đoàn SCG, từ năm 2011, đã bỏ vốn vào hơn 20 DN nhựa Việt Nam, trong đó có Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong - là 2 DN đứng đầu thị trường về nhựa xây dựng.
Các DN kiến nghị, trong áp lực cạnh tranh lớn hiện nay, Chính phủ cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thông qua sự liên kết vùng, khu vực và các tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các FTA. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ kết nối giữa các DN. |
Đến năm 2015, SCG đã mua 80% cổ phần của Công ty Nhựa Tín Thành - một trong tốp 5 công ty sản xuất bao bì nhựa có quy mô và thị phần lớn nhất Việt Nam. Trước thời điểm nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Nhựa Bình Minh, SCG cũng đã bày tỏ ý định sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của công ty này khi cho biết sẽ dành 5 - 6 tỷ USD để thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam đến năm 2020.
Trước áp lực thâu tóm DN và mở rộng thị phần của DN Thái Lan, nhiều DN nội đã liên kết để nâng quy mô đầu tư sản xuất nhằm tăng đối ứng, giảm áp lực cạnh tranh với DN Thái Lan. Công ty Nhựa An Phát đã đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy số 6 (công suất 3.000 tấn/tháng) và số 7 (công suất 800 tấn/tháng), chuyên xuất khẩu sản phẩm túi nhựa sinh học và bao bì màng mỏng sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và Mỹ.
Công ty Nhựa Tiền Phong sáp nhập Công ty Nhựa Năm Sao và nâng công suất nhà máy tại miền Trung lên hơn 15.000 tấn/năm. Còn Nhựa Đông Á cũng đang tìm cách nâng công suất nhà máy sản xuất tấm profile, với kỳ vọng đứng đầu lĩnh vực nhựa xây dựng và vật liệu quảng cáo…
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết hiện có hơn 2.200 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nhựa tại Việt Nam. Trong đó, số lượng các công ty trong nước chiếm hơn 85%. Dự báo đến năm 2020, các DN nhựa trong nước sẽ cần hơn 5 triệu tấn nguyên vật liệu đầu vào để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng trong sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, hạn chế của DN nhựa nội là quy mô sản xuất vừa và nhỏ, lại phân tán nhiều nhà máy. Trang thiết bị, máy móc, công nghệ lạc hậu khiến các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, cần có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, tăng cường kiến thức chuyên môn, cập nhật xu thế thị trường.
Tác giả: ÁI VÂN
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng