Trong nước

Dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Ảnh minh hoạ


Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế.

Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.

Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 17/12, cả nước ghi nhận trên 1,5 triệu ca, trong đó có gần 1,1 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và hơn 29.000 ca tử vong. Hiện, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Trong 1 tuần gần đây, Việt Nam liên tục ghi nhận khoảng 15.000 ca COVID-19 mới mỗi ngày, trong đó có từ 9.000-10.000 ca cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong.

Tác giả: Võ Thu

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP