Pháp luật

Đinh Mạnh Thắng hầu tòa cấp phúc thẩm

Bốn tháng sau phiên sơ thẩm, bị cáo Đinh Mạnh Thắng hầu tòa cấp phúc thẩm theo đơn kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Sáng 5/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) theo đơn kháng cáo của Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà) và 3 bị cáo khác.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 3 ngày (5-7/6) do ông Ngô Hồng Phúc làm chủ tọa. Theo đơn kháng cáo, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, riêng Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu Kế toán trưởng công ty 1/5) kêu oan.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng trả lời HĐXX. Ảnh: B.C.

Cựu Phó tổng giám đốc Vietsan xin giảm án

Là người đầu tiên lên bục xét hỏi, Thái Kiều Hương cho rằng tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 10 năm tù về tội Tham ô là quá nghiêm khắc. Nêu các tình tiết mong tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan nói không biết việc Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) và các cán bộ của PVP Land chuyển nhượng cổ phần dưới giá thị trường để hưởng lợi.

Khi được cơ quan điều tra giải thích số tiền Công ty 1/5 đặt cọc mua dự án Nam Đàn Plaza do Lê Hòa Bình lừa đảo mà có, Hương đã thu hồi 19 tỷ đồng đã chuyển cho Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh để nộp cho công an. “Bị cáo mong HĐXX xem đây là tình tiết chủ động khắc phục”, Hương nói trước tòa.

Thái Kiều Hương cũng phủ nhận cáo buộc che giấu tội phạm. Nữ bị cáo giải thích 2 khoản tiền 5 tỷ và 14 tỷ lần lượt được chuyển cho Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh thông qua Công ty Vietsan đều ghi là thanh toán tiền đặt cọc. Khi trả lại, chứng từ thể hiện nội dung Công ty 1/5 hủy hợp đồng đặt cọc. Bị cáo cho rằng đây là thủ tục kế toán thông thường, không phải che giấu, hợp thức hồ sơ.

Việc chuyển tiền, Hương khai theo hợp đồng đặt cọc, trong đó có quy định Vietsan là đầu mối nhận các khoản tiền do cổ đông ủy quyền. “Bị cáo thiếu hểu biết, không hình dung vi phạm lại mức độ lớn vậy. Mong HĐXX xem xét hành vi của bị cáo xuất phát từ việc vô tình dẫn đến phạm tội”, bị cáo Hương thành khẩn.

Còn việc nhờ Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh, Thái Kiều Hương khai cô ta quen em trai ông Đinh La Thăng từ lúc chưa về làm việc ở Vietsan. Hương biết bị cáo Thắng quen Trịnh Xuân Thanh và có anh trai là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí, nên đã gọi điện nhờ Thắng làm cầu nối.

Hai lần gặp Trịnh Xuân Thanh để giới thiệu người mua dự án Nam Đàn Plaza, Thái Kiều Hương khẳng định không tham gia thỏa thuận giá cả chuyển nhượng. Hương nói không rõ mình phạm tội gì và đề nghị HĐXX làm rõ hành vi bị cáo buộc và xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Vì sao em trai ông Đinh La Thăng vướng lao lý?

Theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh quản lý phần vốn góp của PVC tại PVP Land nên có vai trò quan trọng trong việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land.

Đầu 2010, Lê Hòa Bình muốn mua dự án Nam Đàn Plaza (dự án PVP Land nắm giữ 50,5% vốn) nên nhờ Huỳnh Nguyễn Quốc Duy môi giới. Tháng 3/2010, Bình đạt thỏa thuận mua cổ phần của 4/5 cổ đông đầu tư dự án.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Để mua nốt số cổ phần còn lại do PVP Land nắm giữ, Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Đào Duy Phong thu xếp việc mua bán.

Tòa sơ thẩm kết luận Trịnh Xuân Thanh biết rõ giá gốc chuyển nhượng cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2, nhưng vẫn chỉ đạo đồng phạm ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với mức giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án, để hưởng chênh lệch.

Đinh Mạnh Thắng đã câu kết, tạo ra công đoạn mua bán, chuyển nhượng trái phép bằng cách tạo giá trị vật chất thấp nhưng vẫn có lãi. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 49 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ, các bị cáo còn lại chiếm đoạt tổng số tiền 30 tỷ.

Hồi đầu tháng 2, TAND Hà Nội đã tuyên Đinh Mạnh Thắng 9 năm tù, Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) chung thân, Đào Duy Phong (cựu Chủ tịch PVP Land) 16 năm tù, Nguyễn Ngọc Sinh (cựu Tổng giám đốc PVP Land) 13 năm tù, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy cùng mức án 10 năm tù.

Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch công ty 1/5) và Nguyễn Thị Kim Thoa lần lượt lĩnh 8 năm tù và 6 năm tù. Tổng hợp bản án trước đó, 2 bị cáo này phải chịu mức án chung thân.

Sau bản án sơ thẩm, em trai ông Đinh La Thăng có đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao, đề nghị xem xét lại tội danh Tham ô để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt. Ba bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt và hạ mức bồi thường dân sự.

Tác giả: Bá Chiêm

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP