Hàng trăm gốc tiêu của gia đình bà Trần Thị Kim Huệ bị chết khô lá ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
Đưa chúng tôi đi khảo sát vườn tiêu bị chết, ông Trương Công Hậu (45 tuổi, ở thôn Bình Phụng) buồn bã cho biết gia đình trồng hơn 500 gốc tiêu nhưng đến nay đã chết gần một nửa. Sau đợt mưa lớn kéo dài hồi cuối năm 2017, hàng trăm gốc tiêu bị ngập úng, dù đang xanh tốt nhưng khoảng một tháng sau bỗng nhiên thối rễ, rụng lá rồi chết dần hàng loạt. “Cả vườn tiêu hàng trăm gốc đang chết dần, dù đã làm đủ mọi cách để cứu chữa nhưng vẫn không hiệu quả. Từ lúc lá úa cho đến khi rụng xuống chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn”, ông Hậu nói.
Không chỉ gia đình ông Hậu mà hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Bình Quế cũng đang đứng ngồi không yên trước tình trạng tiêu chết hàng loạt. Bà Trần Thị Kim Huệ (47 tuổi, ở thôn Bình Phụng) cho hay gần 200 gốc tiêu của gia đình đang phát triển tốt nay bị vàng lá, rụng xuống rồi chết khô.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Trí, Phó chủ tịch UBND xã Bình Quế, cho biết toàn xã có gần 40 hộ trồng tiêu với hơn 4.000 cây. Sau khi nắm được thông tin tiêu chết trên địa bàn, chính quyền xã đã báo cáo lên huyện, đồng thời phối hợp với Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện về kiểm tra và xác định cây tiêu chết hàng loạt là do bệnh chết nhanh. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do mưa lớn kéo dài trước đó, một số nhà vườn không thoát nước kịp, làm cho đất ẩm tạo điều kiện cho một số loại nấm phát triển. “Hiện tại, toàn xã đã có 700 gốc tiêu chết hoàn toàn của 12 hộ gia đình. Địa phương đã có văn bản kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí để bà con tái sản xuất trở lại. Để không lặp lại tình trạng này, xã cũng đề nghị Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ thuốc và mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con”, ông Trí thông tin thêm.
Tác giả: Mạnh Cường
Nguồn tin: Báo Thanh niên