Giáo dục

Điều chuyển giáo viên “miếng mồi” béo bở cho nhiều lãnh đạo

Cuộc chạy đua đằng sau đó mới khốc liệt vô cùng. Người có thân thế càng cao vị trí càng chắc. Người ít quen biết đôn đáo, tất tả để tìm chỗ nhờ vả.

LTS: Câu chuyện điều chuyển giáo viên đang dẫn đến một cuộc đua khốc liệt để “giành chiếc vé ở lại”.

Ai ai cũng cố gắng để tránh bị điều chuyển sang cấp học thấp hơn hoặc công việc khác.

Tác giả Thuận Phương tiết lộ những góc khuất trong cuộc đua này và đưa ra một số giải pháp để hạn chế những bất công trong việc điều chuyển giáo viên này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Việc tinh giản và điều chuyển những giáo viên dư thừa xuống cấp học thấp hơn hoặc chuyển sang công việc khác đang tạo ra áp lực rất lớn đối với tất cả giáo viên.

Ngược lại, nó lại trở thành miếng mồi ngon, béo bở cho nhiều vị lãnh đạo nơi này.

Xét về lý, những giáo viên nằm trong dạng giảm biên chế hay chuyển đổi vị trí làm việc thấp hơn… phải là những giáo viên yếu về năng lực chuyên môn, về phẩm chất đạo đức nhà giáo.

Nhưng thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Nhiều thầy cô rỉ tai nhau: “Lại nhất quen nhì thế, lại đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Chỉ khổ những người không tiền, không thân thế thôi…”.

Cuộc chạy đua khốc liệt

Ngay từ khi có thông tin tinh giản biên chế hay điều chuyển công việc thì bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu đề tài này đều được bàn tán một cách rôm rả, nóng bỏng nhất.

ra soat giao vien
Việc điều chuyển giáo viên thuộc dạng dôi dư đang dẫn đến một cuộc đua khốc liệt. (Ảnh minh họa trên Báo Hà Nội Mới)

Không khí trong trường vì thế cũng nặng nề, cũng căng thẳng hơn. Nhiều người nghi kị, đề phòng lẫn nhau. Họ sống xét nét, đôi khi tìm những sơ xuất, những khiếm khuyết của đồng nghiệp để làm “bảo bối” cho mình khi cần.

Có người chua chát thừa nhận: “Nghĩ cũng ti tiện thật nhưng vì mình, vì cả gia đình, buộc phải lựa chọn như thế”.

Cuộc chạy đua đằng sau đó mới khốc liệt vô cùng. Người có thân thế càng cao vị trí càng chắc. Họ tỏ ra tự tin, đắc thắng “vững như bàn thạch”. Người ít quen biết đôn đáo, tất tả để tìm chỗ nhờ vả.

Ai ai cũng cố gắng vận dụng hết tất cả các mối quan hệ để cậy nhờ, để xin xỏ. Do nhu cầu nhờ vả cao nên những giỏ quà, những chiếc phong bì cứ nặng dần theo cấp số nhân.



Không ít thầy cô bật mí “Có tiền mà không quen biết cũng bỏ, nhiều khi đến nhà thăm các sếp cứ y như đánh trận phải tính toán, phải đắn đo để không đụng mặt nhau tránh việc khó xử.

Nhiều khi canh cả tuần mà vẫn không đến lượt. Nhưng vào gặp được rồi cũng chưa chắc họ đã nhận vì mình chẳng thân thiết gì”.

Có giáo viên buồn rầu kể: “Đôi khi người ta nhận quà rồi cũng chưa lấy gì làm chắc chắn. Bởi bất ngờ một hôm nào đó được gọi tới để trả lại quà.

Có thể đã có người khác gửi gắm món quà nặng đô hơn hay họ cũng chẳng thể lo cho mình được”.

Thế rồi, trong cuộc chạy đua ấy phần chiến thắng bao giờ cũng thuộc về người quen biết nhiều, thân thế cao và người biết chi lớn chứ không phải người có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu.

Cách nào hạn chế tình trạng bất công ấy?

Để tránh dư luận không tốt về chuyện tinh giản và điều chuyển giáo viên dôi dư của các trường ở các địa phương, cần xây dựng các tiêu chí một cách rõ ràng.

Chẳng hạn, khi bình xét một giáo viên phải có điểm cộng cho những thành tích mà họ đạt được trong nhiều năm, phải có điểm trừ cho những giáo viên từng vi phạm.

Như đạt giáo viên dạy giỏi từ cấp thị trở lên, đạt chiến sĩ thi đua các cấp, chất lượng giảng dạy của bản thân qua các đợt kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, chuyên đề, chất lượng của lớp chủ nhiệm…

Các hoạt động giáo dục khác đạt ở mức độ nào, việc xếp loại công chức hàng năm, xếp loại chuyên môn nghiệp vụ…

Có bảng tiêu chí, cứ áp vào từng giáo viên để tính điểm.

Từ đó, sẽ có danh sách chung những giáo viên nổi trội cần được giữ lại, những giáo viên yếu chuyên môn, hay vi phạm đạo đức nhà giáo sẽ nằm trong danh sách tinh giản và điều chuyển dù người đó có người “chống lưng” cỡ nào.

Khi đã xét tuyển công khai, xét một cách quang minh chính đại. Người không đủ tiêu chuẩn phải dời vị trí cũng phải “tâm phục khẩu phục”, người ở lại cũng ngẩng cao đầu vì mình đã xứng đáng.

Công khai, minh bạch trong khâu xét tuyển như thế sẽ là động lực để giúp thầy cô giáo nỗ lực làm việc, đầu tư cho chuyên môn giảng dạy của mình chứ không cần phải tìm cách “đi ngang về tắt” như một số người đang làm hiện nay.

Tác giả bài viết: Thuận Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP