Điện thoại phổ thông 4G sẽ giải quyết bài toán này!
Tại buổi gặp gỡ cuối năm với truyền thông tại Việt Nam, đại diện Qualcomm, ông Thiều Phương Nam cho biết, Việt Nam đang còn khoảng 40 triệu thuê bao 2G, tương đương 40 triệu điện thoại phổ thông. Điều này đang cản trở cho việc chuyển đổi lên nền tảng kết nối tốc độ cao 4G tại đất nước hình chữ S.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia |
Ông Nam cho rằng, một trong những trọng tâm của Qualcomm là làm thế nào để những người đang sử dụng điện thoại phổ thông (feature phone) chuyển đổi lên 4G càng sớm càng tốt. Điều này vô cùng quan trọng với Việt Nam, nếu chúng ta muốn phổ biến công nghệ đến với người dùng nhiều hơn.
Theo người đứng đầu Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, việc chuyển đổi từ 2G lên 4G gặp một số khó khăn bởi nhiều người dùng không đủ tiền để mua smartphone, lại thêm thói quen sử dụng điện thoại phổ thông có bàn phím mà không quen với màn hình cảm ứng của smartphone.
Do đó, để giải quyết bài toán này, phía Qualcomm nghĩ rằng giải pháp điện thoại phổ thông 4G rất phù hợp với thị trường Việt Nam, giúp các nhà mạng đẩy nhanh chuyển đổi người dùng từ 2G lên 4G. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với thị trường Việt Nam.
Nói rõ hơn, ông Nam cho biết, năm ngoái, Qualcomm đưa ra nền tảng điện thoại phổ thông sử dụng 4G với 25 Đô la Mỹ (chỉ là giá thành sản xuất thiết bị). Khi đưa điện thoại phổ thông 4G đến với người dùng, nhà mạng thu được rất nhiều lợi ích: thứ nhất là giải phóng được băng tần 2G, thứ hai là với điện thoại phổ thông 4G, người dùng vẫn sử dụng được Facebook, Zalo, từ đó doanh thu nhà mạng được tăng lên.
Vì thế, ông Nam tin rằng, khi bán điện thoại phổ thông, các nhà mạng thường có chính sách trợ giá, tức giữ nguyên giá bán là 25 Đô la Mỹ. Đại diện Qualcomm cũng tiết lộ đã giới thiệu điện thoại phổ thông 4G với các nhà mạng, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, nhưng hiện nay các nhà mạng Việt Nam vẫn chưa đưa sản phẩm này ra thị trường.
Thúc đẩy phát triển smartphone dưới 100 Đô la Mỹ
Ngoài vấn đề về thói quen sử dụng, giá bán cũng là yếu tố rất quan trọng đối với các mẫu smartphone hiện nay khiến cho việc chuyển đổi từ 2G lên 4G gặp khó khăn.
Phía Qualcomm cho biết, họ vẫn đang làm việc để đưa những smartphone với mức giá phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp tại Việt Nam. Mức giá có thể dưới 100 Đô la Mỹ thì mọi người mới sử dụng.
Cụ thể tại Việt Nam, Qualcomm cho biết năm qua họ đã có 4 đối tác Việt Nam tham gia vào chương trình chia sẻ bản quyền với Qualcomm để nhanh chóng sản xuất các thiết bị di động và IoT, tiết kiệm thời gian và đầu tư. Trong 4 công ty, ông Nam tiết lộ có Bkav và VNPT, những công ty này có quyền sử dụng tất cả những phát minh, bằng sáng chế của Qualcomm, những nguồn lực như thiết kế tham chiếu, công cụ phát triển.
Trong đó, bản quyền của Qualcomm phủ rộng trong các công nghệ khác nhau, như bộ vi xử lý Snapdragon, tất cả những công nghệ tích hợp trong một smartphone, chẳng hạn như sạc nhanh Quick Charge 3.0 và sắp tới là Quick Charge 4.0, kết nối sạc không dây cho ô tô điện, các kết nối wifi, Bluetooth, những công nghệ hình ảnh, video, chụp ảnh… Tất cả những mảng công nghệ khác nhau đều được Qualcomm đầu tư để phát triển các sản phẩm ngày càng tốt hơn.
Được biết, số lượng bản quyền Qualcomm phát minh thêm hàng năm tăng trưởng với tốc độ 32%/năm. Đến năm 2017, Qualcomm có 70.000 bản quyền đã được cấp phép, chứng nhận bảo hộ và một số lượng tương đương các phát minh đang đợi cấp phép. Vì thế hiện nay, Qualcomm nắm giữ 130.000 bản quyền trong ngành viễn thông di động và IoT.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí