Thế giới

Diện mạo tương lai hạm đội 350 tàu chiến của Donald Trump

Mỹ tương lai có thể phải chi trên 126 tỷ USD để hiện thực hóa lời hứa tăng số lượng tàu chiến của hải quân lên 350 chiếc mà tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử hứa hẹn sẽ tăng số lượng tàu hải quân lên 350 chiếc. Tuyên bố này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhưng giới chuyên gia cũng hoài nghi về tính khả thi của nó. Vậy nếu trở thành sự thật, hạm đội 350 tàu chiến Mỹ tương lai trông như thế nào?

Theo cây bút Kyle Mizokami từ tạp chí Popular Mechanics, hải quân Mỹ hiện sở hữu 273 chiến hạm. Hạm đội tàu chiến chủ lực bao gồm 10 tàu sân bay hạt nhân, 10 tàu đổ bộ tấn công boong lớn, 22 tàu tuần dương, 76 tàu khu trục và 52 tàu ngầm tấn công.

Nếu muốn tăng cường năng lực hải quân, tổng thống đắc cử Mỹ Trump có 4 năm hoặc nhiều nhất là 8 năm để hiện thực hóa mục tiêu. Vì thế, ông không thể dựa vào những mẫu chiến hạm vẫn nằm trên giấy bởi để phát triển một con tàu chiến hiện đại cần mất khoảng 10 năm. Thay vào đó, hải quân có thể tăng số lượng các chiến hạm đang trong quá trình chế tạo.

Tàu sân bay

Tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis. Ảnh: US. Navy


Hải quân Mỹ hiện có 10 tàu sân bay. Con số sẽ tăng lên 11 khi tàu sân bay USS Gerald R. Ford đi vào hoạt động nhưng không ai biết thời điểm cụ thể là khi nào.

Theo ông Mizokami, bổ sung hai tàu sân bay mới sẽ là phù hợp để giảm tải áp lực cho hạm đội hiện tại. Mỗi chiếc sẽ mang theo tổ hợp các chiến đấu cơ gồm Super Hornet, F-35, phản lực tấn công điện tử EA-18G Growler và máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye cùng hàng loạt trực thăng, phi cơ hỗ trợ khác.

Tàu sân bay USS John F. Kennedy, chiếc thứ hai thuộc lớp Ford, đang được chế tạo có giá thành dự kiến khoảng 11,35 tỷ USD. Tổ hợp 54 máy bay Super Hornets, F35 và Growlers tiêu tốn gần 5,4 tỷ USD. Số máy bay hỗ trợ còn lại sẽ nâng mức chi phí phải trả cho đội phi cơ trên tàu sân bay lên 6,5 tỷ USD. Tổng chi phí đạt khoảng 17,85 tỷ USD.

Nhưng tàu sân bay không thể hoạt động đơn lẻ. Đi kèm với nó là một đội tàu tác chiến bổ trợ. Chúng có thể bao gồm một tàu tuần duyên lớp Ticonderoga, hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke, một tàu ngầm tấn công hạt nhân cùng một tàu chuyên chở nhiên liệu và đạn dược.

Tổng cộng, hai đội tác chiến tàu sân bay (12 chiếc) có giá 50 tỷ USD.

Tàu ngầm

Tàu ngầm lớp Virginia USS Illinois trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Popular Mechanics

Mỹ hiện sở hữu 52 tàu ngầm tấn công, gồm các lớp như Los Angeles đời cũ, Seawolf và lớp mới nhất là Virginia. Ông Mizokami cho rằng hải quân Mỹ nên bổ sung khoảng 18 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia để tăng tổng số tàu ngầm biên chế lên 70 chiếc.

Năm 2014, hải quân Mỹ ký các bản hợp đồng trị giá 17,6 tỷ USD với hai xưởng đóng tàu General Dynamics và Huntington Ingalls để chế tạo 10 tàu ngầm lớp Virginia. Trung bình mỗi chiếc thời điểm hiện tại có giá 1,8 tỷ USD.

Theo thống kê ở trên, hai đội tác chiến tàu sân bay sẽ nắm giữ hai tàu ngầm hạt nhân. Vì thế để đạt con số 70 chiếc, hải quân Mỹ cần thêm 16 tàu ngầm lớp Virginia nữa. Tổng giá thành khoảng 28,8 tỷ USD.

Tàu đổ bộ

Hải quân Mỹ hiện sở hữu 31 tàu đổ bộ để phối hợp với lực lượng thủy quân lục chiến. Hải quân và thủy quân lục chiến đồng tình 38 tàu đổ bộ là con số lý tưởng để hỗ trợ tốt mọi hoạt động của họ. Theo Mizokami, nếu dự định đầu tư, tổng thống đắc cử Mỹ nên chi mua thêm hai tàu đổ bộ tấn công lớp America, trị giá 6,8 tỷ USD và 5 tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio, trị giá 10 tỷ USD.

Giả sử những tàu trên có thể tạo thành hai nhóm tấn công viễn chinh, chúng sẽ cần các tàu hộ tống. Ba khu trục hạm lớp Burke đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ này ở mỗi nhóm. Chi phí mua thêm 6 tàu lớp Burke khoảng 9,9 tỷ USD. Tổng chi phí để hoàn thiện hai nhóm tàu viễn chinh xấp xỉ 26,7 tỷ USD.

Tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard. Ảnh: Popular Mechanics


Tàu chiến đấu ven biển

Mizokami nhận định để thực hiện các nhiệm vụ cấp thấp như truy đuổi hải tặc, tuần tra ven biển hay duy trì hiện diện tại những vùng biển có mức ưu tiên không cao, hải quân Mỹ nên sắm thêm 38 tàu chiến đấu tuần tra ven biển trang bị súng máy và gọi chúng là tàu khu trục nhỏ. Những tàu khu trục nhỏ mới cũng cần có hầm chứa tên lửa. Tất cả các tàu nên mang theo một trực thăng MH-60S. Một nửa số tàu nên được tối ưu hóa cho tác chiến chống ngầm và nửa còn lại đảm nhận nhiệm vụ quét thủy lôi. Tổng chi phí phải trả khoảng 20,9 tỷ USD.

Như vậy, với kịch bản mà Kyle Mizokami đưa ra, hải quân Mỹ sẽ có thêm hai nhóm tác chiến tàu sân bay, hai nhóm tàu tấn công viễn chinh, đủ sức chở 4.000 lính thủy quân lục chiến, cùng 18 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 38 tàu khu trục nhỏ. Với các tàu bổ sung này, hải quân Mỹ sẽ có khả năng đảm nhận đủ loại nhiệm vụ khác nhau, tác chiến ở mọi khu vực chiến sự. Tổng số tiền Mỹ phải bỏ ra lên đến 126,4 tỷ USD, bằng hơn 1/5 ngân sách quốc phòng thường niên.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP