Trong thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ở Quảng Bình gặp khó khăn trong việc phát triển, sản xuất, kinh doanh, song không ít doanh nghiệp dù ăn nên làm ra vẫn cố tình nợ đọng thuế. Có những doanh nghiệp chây ỳ việc nộp thuế, song vẫn dùng vốn tự có để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đến Quảng Bình "xí phần" đất vàng, ở các vị trí đắc địa, được tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng doanh nghiệp không triển khai xây dựng, hoặc xây dựng chậm tiến độ và nợ đọng thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước, lãng phí tài nguyên. Có nhiều dự án được tỉnh Quảng Bình cho thuê đất, nhưng hơn 10 năm qua vẫn không triển khai xây dựng, không đóng thuế gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 mới diễn ra, nhiều đại biểu đã quan tâm, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cử tri về việc chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế đối với các doanh nghiệp. Bởi năm 2023, Quảng Bình đặt ra mục tiêu thu ngân sách 7.000 tỷ đồng. Tuy vậy, trong hơn 9 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách thực hiện chỉ đạt trên 3.000 tỷ đồng. Một trong các nguyên nhân khiến nguồn thu chưa đạt là do công tác thu thuế từ các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Việc thu ngân sách giảm sâu đã thiếu hụt việc cấp ngân sách, chi thường xuyên cho nhiều đơn vị, địa phương gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động, thúc đẩy sự phát triển chung.
Theo ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình; trước tình hình nợ thuế, Cục Thuế Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp để thu nợ đọng thuế. Trong đó, Cục Thuế tỉnh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp; hằng tháng ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp tiền thuế gửi đến từng doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế; kiên quyết cưỡng chế, xử lý thu hồi nợ thuế đối với các doanh nghiệp dây dưa, chây ỳ nợ đọng tiền thuế.
Ngoài ra, Cục Thuế Quảng Bình cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành có liên quan tăng cường thu nợ đọng thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách pháp luật thuế; phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; thực hiện thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Thuế tỉnh Quảng đã phải ban hành 616 quyết định cưỡng chế, tổng số tiền cưỡng chế là 1.069 tỷ đồng để thu hồi nợ đọng thuế; trong đó, cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản 496 trường hợp, cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 120 trường hợp. Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, các công ty trên bị cưỡng chế thuế do có số tiền quá hạn phải nộp, phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội. Tuy Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã đưa ra nhiều biện pháp kiên quyết để chống thất thu, nợ đọng thuế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn dây dưa, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế, buộc Cục thuế tỉnh Quảng Bình tiếp tục công khai các doanh nghiệp nợ thuế.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình họp bàn các giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế, tăng ngân sách cho những tháng cuối năm 2023. |
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Quảng Bình diễn ra mới đây, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình triển khai họp bàn giải pháp chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình công bố công khai danh sách tất cả các đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế lên phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong danh sách các doanh nghiệp bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình công khai nợ đóng thuế lần này có: Công ty cổ phần Khai thác Sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình nợ thuế gần 126,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 nợ thuế hơn 75,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Sơn Hải Riverside nợ thuế 53,7 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Quảng Bình nợ thuế 36,76 tỷ đồng; Công ty cổ phần Việt Group Central nợ thuế 21,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cosevco 6 nợ thuế 16 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Trường Sơn nợ thuế 14,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình nợ thuế 9,9 tỷ đồng và Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Quảng Bình nợ thuế 2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nợ thuế số tiền 269 tỷ đồng…
Trong số 42 doanh nghiệp bị công khai, nêu tên nợ đọng thuế đa phần các doanh nghiệp có trụ sở đăng ký tại Quảng Bình và chỉ có 5 doanh nghiệp có trụ sở đăng ký tại địa phương khác (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Trong số các doanh nghiệp công khai nợ thuế lần này, doanh nghiệp nợ số tiền thuế thấp nhất là hơn 251,5 triệu đồng.
Bên cạnh chỉ đạo Cục thuế Quảng Bình kiên quyết thu hồi thuế đối với các doanh nghiệp, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình là đối với các doanh nghiệp được tỉnh giao đất rồi nhưng không chịu nộp tiền thuế sử dụng đất. UBND tỉnh đề nghị các ngành có liên quan trong đầu tư, trong đất đai và cơ quan thuế phải phối hợp chặt chẽ, tham mưu và xử lý, không để thất thoát ngân sách Nhà nước. Rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế, tránh thất thu thuế.
Ngoài việc công bố công khai các đơn vị nợ thuế lên truyền hình, hệ thống báo chí truyền thông, đơn vị doanh nghiệp nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị sang cơ quan pháp luật để xem xét, cần phải làm cương quyết. Những vấn đề làm trì trệ, ách tắc, kéo lùi sự phát triển của tỉnh thì phải xử lý ngay. Có sự phối hợp chặt chẽ để tham mưu, không để thất thoát tiền của Nhà nước, ngân sách và thuế.
Tác giả: Dương Sông Lam
Nguồn tin: cand.com.vn