Tại cuộc họp báo công bố kết thúc vòng hòa đàm mới nhất về Syria tại TP Geneva - Thụy Sĩ hôm 14-12 qua, ông Staffan de Mistura, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, trưng ra một bản đồ cho thấy lãnh thổ quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đang bị phân chia ra sao.
Cục diện hỗn loạn
Sự thất vọng thể hiện rõ trên khuôn mặt ông Mistura khi vòng hòa đàm trên cũng khép lại trong thất bại như những cuộc đàm phán trước đó. Tấm bản đồ nhiều màu sắc này thể hiện rõ cục diện Syria lúc này: bị chia năm xẻ bảy và chịu sự kiểm soát của một loạt lực lượng địa phương trong và ngoài nước.
Sau gần 7 năm diễn ra, chiến sự dường như đang hạ nhiệt, chủ yếu nhờ các chiến thắng của quân đội chính phủ với sự hậu thuẫn của Nga và những thỏa thuận ngừng bắn cục bộ. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, từng kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria, gần như kết thúc với cả Nga và Mỹ đều tuyên bố chiến thắng trong sứ mệnh này. Dù vậy, theo hãng tin AP, sự hỗn loạn vẫn hiện hữu rõ ràng tại Syria và xung đột bạo lực có thể tiếp diễn trong tương lai không xa.
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao được tăng cường, các bên liên quan vẫn giậm chân tại chỗ trong việc tìm giải pháp hòa bình kể từ khi vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ở Thụy Sĩ vào năm 2012. Tổng thống Syria Bashar al-Assad khó có thể tự nguyện ra đi mà nhiều khả năng tiếp tục nắm quyền, ít nhất cho đến khi nhiệm kỳ khép lại vào năm 2021. Trong khi đó, phe đối lập coi như đã từ bỏ mục tiêu lật đổ ông về quân sự.
Ông Staffan de Mistura trưng ra tấm bản đồ Syria tại cuộc họp báo ở TP Geneva hôm 14-12 Ảnh: Tân Hoa Xã |
Nhờ sự can thiệp quân sự của Nga, lực lượng chính phủ Syria đã giành lại nhiều lãnh thổ từ tay phiến quân và IS. Tuy nhiên, khó có khả năng ông Assad hoàn thành mục tiêu kiểm soát toàn bộ đất nước. Thực tế, vẫn còn gần phân nửa lãnh thổ Syria nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Assad và máu sẽ đổ nếu nhà lãnh đạo này cương quyết giành lại những nơi này, trong đó có vùng Đông Ghouta gần thủ đô Damascus và tỉnh Idlib, nơi chịu sự khống chế của các tay súng liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Câu hỏi chưa có lời giải
Ngoài ra, người Kurd tại miền Bắc Syria đang tìm cách lập ra một khu vực bán tự trị khổng lồ cho mình, với diện tích ước tính tương đương gần 25% lãnh thổ Syria. Ông Assad vừa phát đi tín hiệu sẽ lấy lại quyền kiểm soát khu vực này khi cáo buộc người Kurd là "những kẻ phản bội" bắt tay với ngoại quốc.
Một điểm nóng tiềm tàng khác là sự hiện diện của Mỹ ở Syria. Ngay cả khi cuộc chiến chống IS gần như khép lại, Washington đã phát đi tín hiệu sẽ duy trì lực lượng quân sự tại Syria cho đến khi đạt được một giải pháp hòa bình toàn diện.
Thời điểm có một giải pháp như thế là một câu hỏi chưa có lời giải, nhất là khi Nga đang tìm cách chuyển sự tập trung từ các cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ sang tiến trình thương thảo do Moscow đứng đầu.
Tại vòng đàm phán lần thứ 8 vừa khép lại tại thủ đô Astana - Kazakhstan hôm 22-12, đại diện chính phủ Syria kêu gọi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này. Cùng ngày, Moscow thông báo Đại hội đối thoại dân tộc Syria nhằm lập lại hòa bình tại quốc gia Trung Đông này sẽ được tổ chức tại TP Sochi - Nga trong 2 ngày 29 và 30-1-2018 tới.
Ngay cả khi giữ được ghế tổng thống, ông Assad sẽ phải đối mặt nhiệm vụ gian nan trong việc tái thiết đất nước bị chiến tranh hủy hoại nặng nề. Vấn đề là chừng nào ông Assad còn nắm quyền, phương Tây khó có thể ra tay hỗ trợ tiến trình này trong lúc Nga và Iran khó có thể kham nổi hóa đơn 250 tỉ USD, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.
Tình thế này, theo trang Bloomberg, có thể lại là thời cơ của các công ty Trung Quốc. "Ngày nào chúng tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi tìm hiểu (từ các công ty Trung Quốc). Họ thấy được tiềm năng làm ăn rất lớn ở Syria vì toàn bộ đất nước này cần phải được xây dựng lại" - ông Qin Yong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Trung Quốc - Ả Rập, cho biết khi đang chuẩn bị chuyến thăm thứ 4 tới Syria trong năm nay. Ông Qin chia sẻ thêm rằng phía Syria cũng rất chào đón sự đầu tư từ phía Trung Quốc.
Tác giả: Hoàng Phương
Nguồn tin: Báo Người lao động