Trong nước

Đề xuất thành lập Ủy ban điều tra về vụ tai nạn máy bay Bell 505

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay xảy ra ngày 5/4 tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, Hải Phòng, khiến 5 người chết.

Máy bay trực thăng Máy bay Bell-505 thuộc Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18). (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ về vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 (số hiệu VN-8650) xảy ra ngày 5/4 tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và đề xuất Thủ tướng cho phép thành lập Ủy ban điều tra về vụ tai nạn này.

Theo báo cáo, ngày 5/4, tàu bay Bell 505 thực hiện chuyến bay 8650 cất cánh từ bãi đỗ Tuần Châu lúc 16 giờ 56 để thực hiện chuyến bay ngắm cảnh trong vòng 10 phút.

Vào thời điểm kết thúc chuyến bay lúc 17 giờ 5, Chỉ huy bãi không nhận được liên lạc từ người lái tàu bay và báo về Sở chỉ huy của Công ty trực thăng miền Bắc.

Vào khoảng 17 giờ 25, Chỉ huy bãi nhận được thông tin tàu bay gặp tai nạn từ người dân.

Ngay sau khi nhận được thông tin về tai nạn, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp với các cơ quan, chức năng Bộ Quốc phòng triển khai ngay công tác tìm kiếm cứu nạn để tìm kiếm tàu bay, tổ bay và hành khách gặp nạn.

Hiện tại, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 đã kết thúc; thi thể của phi công cùng 4 hành khách đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình.

Các mảnh vỡ của tàu bay đã được tìm thấy, trục vớt và được đưa về sân bay Gia Lâm bảo quản.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đơn vị khai thác tàu bay là Công ty trực thăng miền Bắc, doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) Bộ Quốc phòng, được thành lập ngày 2/5/1989.

Công ty có năng lực thực hiện khai thác trực thăng trong các hoạt động: Bay thăm dò và khai thác dầu khí; Bay phục vụ chương trình MIA (tìm kiếm quân nhân người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam); Bay phục vụ du lịch, tìm kiếm cứu hộ, cấp cứu y tế...

Công ty Trực thăng miền Bắc được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay số 2004-05/CAAV ngày 21/9/2004 và được gia hạn hiệu lực đến ngày 28/2/2024.

Trực thăng Bell 505 là loại máy bay trực thăng hạng nhẹ một động cơ của Mỹ/Canada do Bell Helicopter phát triển và sản xuất, được nhà chức trách hàng không Canada, Mỹ, châu Âu cấp Giấy chứng nhận loại.

Cục Hàng không Việt Nam cấp công nhận Giấy chứng nhận loại ngày 14/11/2018.

Trực thăng Bell 505 được nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tìm kiếm cứu nạn, bay ngắm cảnh, du lịch.

Trực thăng Bell 505, số đăng ký quốc tịch Việt Nam VN-8650, số xuất xưởng 65158 sản xuất năm 2018 được Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nhập khẩu mới 100%, đăng ký quốc tịch Việt Nam ngày 11/3/2019, Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay có hạn hiệu lực ngày 31/8/2023.

Liên quan đến phi công của chuyến bay, Bộ Giao thông Vận tải thông tin phi công quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1964, số giấy phép người lái hàng không thương mại: 43126-ATPL, hạn hiệu lực giấy phép: 30/6/2026, hạn hiệu lực năng định tàu bay Bell 505: 18/6/2023, hạn hiệu lực chứng chỉ sức khỏe: 30/6/2023, tổng giờ bay/giờ bay trên loại Bell 505: 5002 giờ/114 giờ bay.

Chuyến bay được diễn ra trong điều kiện thời tiết: hướng gió 150 độ, tốc độ gió 6 m/giây, tầm nhìn xa 6-8km, nhiệt độ 26 độ C, QFE/QNH 1003.

Tàu bay có tải trọng cất cánh tối đa 1669,2kg.

Theo quy định của ICAO và Việt Nam đối với tàu bay có tải trọng cất cánh tối đa nhỏ hơn 5.700kg, không yêu cầu tàu bay trang bị thiết bị ghi tham số bay (DFDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR).

Tuy nhiên, tàu bay VN-8650 có trang bị hệ thống Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái và có khả năng chống va chạm. Đây là thiết bị có thể hỗ trợ cho công tác điều tra nguyên nhân tai nạn.

Sau khi nhận được thông tin tai nạn, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp với Binh đoàn 18, Bộ Quốc Phòng, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn tàu bay, tất cả 5 thi thể (1 phi công và 4 hành khách) đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình.

Các mảnh vỡ tàu bay đã được trục vớt và đưa về sân bay Gia Lâm bảo quản.

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và sửa đổi năm 2014; Nghị định số 75/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007 của Chính phủ về điều tra sự cố sự cố, tai nạn tàu bay dân dụng và Phụ ước 13 của Công ước Chicago về điều tra tai nạn tàu bay. Đây là tai nạn tàu bay Mức A và công tác điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 106 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Tuân thủ quy định tại Phụ ước 13 Công ước Chicago của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, trong đó, Việt Nam là quốc gia thành viên, Cục Hàng không Việt Nam (nhà chức trách hàng không Việt Nam) đã thông báo cho các quốc gia liên quan đến tai nạn tàu bay Bell 505, số đăng ký VN-8650, cụ thể bao gồm tổ chức thiết kế chế tạo tàu bay (BELL), tổ chức thiết kế chế tạo động cơ tàu bay (SAFRAN), Ủy ban An toàn vận tải (TSB) của Canada (quốc gia thiết kế chế tạo tàu bay) và Ủy ban An toàn hàng không dân dụng BEA của Pháp (quốc gia thiết kế chế tạo động cơ tàu bay).

Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được thư của tổ chức thiết kế chế tạo tàu bay (BELL) và tổ chức thiết kế chế tạo động cơ tàu bay (SAFRAN), Ủy ban An toàn vận tải (TSB) của Canada và Ủy ban An toàn hàng không dân dụng BEA của Pháp về việc đề nghị hỗ trợ và đề xuất cử đại diện tham gia công tác điều tra tai nạn.

Căn cứ theo Phụ ước 13 Công ước Chicago 1944, căn cứ Điều 106 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và sửa đổi, bổ sung năm 2014 và khoản 1 Điều 7 Nghị định số 75/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007 của Chính phủ về điều tra sự cố tai nạn tàu bay dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cho thành lập Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay với các thành phần dự kiến gồm: lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải.

Tổ chuyên gia sẽ gồm các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không); các chuyên gia của Bộ Quốc phòng (Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh đoàn 18...); các chuyên gia của Tổ chức thiết kế và chế tạo máy bay, động cơ./.

Tác giả: Quang Toàn

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP