Kinh tế

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng có hợp lý?

Chúng ta cần chờ xem đầu năm 2021 nền kinh tế, tình hình thế giới ra sao... mới có cơ sở quyết định có điều chỉnh hay không điều chỉnhh.

Ông Lê Đình Quang

Chính phủ vừa giao Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu kiến nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia xung quanh đề xuất này.

Không tăng, khó đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Tại phiên họp tháng 8/2020, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng đến hết năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vì sao vừa qua Tổng LĐLĐ Việt Nam lại tiếp tục đề xuất tăng lương tối thiểu vùng?

Khi Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế, các thành viên Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chấp nhận hoãn chưa xem xét điều chỉnh cho tới thời 30/6/2021. Bởi, chúng ta cần chờ xem đầu năm 2021 nền kinh tế biến đổi, khả năng khắc phục khó khăn, tình hình thế giới ra sao... mới có cơ sở quyết định có điều chỉnh hay không điều chỉnh.

Tuy nhiên, hai nhóm thành viên của Bộ LĐ-TB&XH và đại diện giới sử dụng lao động lại đề nghị chưa điều chỉnh cho cả năm 2021.

Tới nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng từ 1/7 bởi một số lý do.

Thứ nhất, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban chấp hành T.Ư Khóa XII về cải cách tiền lương, từ năm 2021 Nhà nước định kỳ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng hàng năm theo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Thứ hai, ngoài các thành viên cũ, năm nay Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có thêm hai thành viên mới là hai chuyên gia độc lập, sẽ có đánh giá nhìn nhận khách quan.

Thứ ba, Bộ luật Lao động mới quy định việc xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải đảm bảo mối tương quan giữa mức lương tối thiểu với mức lương của thị trường lao động, mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, việc làm, thất nghiệp và khả năng sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng đề xuất này sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của các doanh nghiệp (Trong ảnh: Công nhân Vinatex đang làm việc) Ảnh: Tạ Hải

Nhưng rõ ràng hiện nay dịch vẫn diễn biến phức tạp và đa phần các doanh nghiệp hiện vẫn rất khó khăn?

Mặc dù khó khăn nhưng kết thúc năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%, năng suất lao động bình quân tăng 5,4% và nhiều chỉ số kinh tế khác cũng khá sáng sủa… Ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng lại tăng 3,23% so với năm 2019.

Như vậy, nếu giữ lại mức cũ, riêng chỉ số trượt giá cũng khiến cho lương tối thiểu không thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình của họ, chưa kể người lao động cũng cần được xem xét hưởng từ thành quả tăng trưởng của kinh tế.

Ngoài ra, tiêu chí hộ chuẩn nghèo cũng đã được điều chỉnh, nếu mức lương tối thiểu vùng không theo kịp thì lo ngại hàng loạt vấn đề an sinh xã hội sẽ xảy ra sau này…

Đầu quý II/2021, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp, xem xét điều kiện kinh tế - xã hội để quyết định về mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2022. Dự kiến tại cuộc họp nêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị điều chỉnh nâng lương tối thiểu vùng năm 2021 từ ngày 1/7 năm nay; mức tăng cụ thể tùy tình hình kinh tế - xã hội, “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2019 tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có tốc độ tăng khá cao, đạt 9.01%. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được xem là đạt mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Quan điểm của ông thế nào?

Không thể phủ nhận, trong 5 năm qua, mức tăng tiền lương tối thiểu vùng đã đạt 66,4%, nhờ vậy thu nhập, đời sống của công nhân lao động đã có cải thiện đáng kể. Năm 2020 cũng là lần đầu tiên xác định lương tối thiểu đã đáp ứng mức sống tối thiểu. Trước đó, bao nhiêu năm tiền lương tối thiểu luôn nằm trong tình trạng rượt đuổi mức sống tối thiểu.

Dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19, có tới 60% người lao động có thu nhập từ tiền lương chỉ đủ trang trải đời sống một cách hết sức tằn tiện, thậm chí phải đi làm thêm mới đủ sống, trong khi số có tích lũy chỉ trên 10%.

Khi xảy ra đại dịch còn khó khăn hơn nữa, theo thống kê thu nhập bình quân/tháng của người lao động giảm 8,6% so với trong năm 2019, gần 40% doanh nghiệp giảm giờ làm; thậm chí ngành dịch vụ du lịch cả năm còn không có việc làm.

“Tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp phát triển”

Lúc khó khăn nhất, Tập đoàn Dệt may VN vẫn duy trì 100% lao động, không để bất cứ một người nào phải nghỉ việc (Ảnh minh họa)

Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng dù kinh tế đã hồi phục song “sức khỏe” của doanh nghiệp còn nhiều bất ổn, cần có khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp có thể “hồi sức” và bật dậy sau đại dịch. Ông nghĩ sao?

Phải nói chính xác trong lần đề xuất này, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ yêu cầu đầu quý II/2021, Hội đồng tiền lương quốc gia cần ngồi lại xem xét điều chỉnh tiền lương cho hài hòa, phù hợp, chứ không đưa ra mức cụ thể bao nhiêu.

“Tranh cãi cách tính mức sống tối thiểu

Có rất nhiều chỉ số để đánh giá mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển xã hội, mức sống tối thiểu ngày càng cao, các mức chi tiêu cho lương thực giảm, thay vào đó nhu cầu phi lương thực tăng lên.

Nghị quyết 27 yêu cầu cơ quan thống kê của Chính phủ phải định kỳ công bố mức sống tối thiểu để lấy là làm cơ sở đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu, nhưng nội dung này lại không được đưa vào Bộ luật Lao động mới. Do đó, mỗi lần họp Hội đồng tiền lương quốc gia vấn đề xác định tỷ lệ cấu phần mức sống tối thiểu của người lao động lại gây tranh cãi.

Ông Lê Đình Quảng”

Nhìn lại, có thể thấy do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, song phần lớn vẫn rất quan tâm tới người lao động, càng khó khăn lại càng thấy doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.

Vừa qua, khi làm việc với Tập đoàn Dệt may, chúng tôi được biết, lúc khó khăn nhất họ vẫn duy trì 100% lao động, không để bất cứ một người nào phải nghỉ việc. Đây quả là sự nỗ lực lớn.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ nhìn theo hướng tăng lương là tăng chi phí đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, việc điều chỉnh tiền lương tăng sẽ tạo động lực cho người lao động có trách nhiệm hơn, làm việc chất lượng hơn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Với mức lương tối thiểu vùng như hiện nay mà vẫn xảy ra tình trạng nợ lương, nợ BHXH, vậy nếu tăng nữa, ông có lo ngại quyền lợi của người lao động khó được đảm bảo?

Nói việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng không ảnh hưởng tới vấn đề nợ lương, nợ BHXH là không chính xác. Nhưng cũng phải xem xét thực tế lâu nay, có phải tăng lương tối thiểu là nguyên nhân dẫn tới nợ lương, nợ BHXH đâu?

Cũng thừa nhận khi điều chỉnh lương tối thiểu thì số tiền đóng BHXH tăng nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tới khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp nợ BHXH là bởi nguồn lực quá khó khăn hoặc có ý thức chấp hành pháp luật kém.

Cùng với đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng, liệu có giải pháp nào để gỡ khó cho doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi người lao động?

Trong bối cảnh hiện nay, có thể đưa ra rất nhiều giải pháp chủ quan lẫn khách quan.

Cụ thể, doanh nghiệp phải tìm cách cải tiến, cắt giảm chi phí không cần thiết để dành nguồn lực nâng cao đời sống cho người lao động. Song song với đó, cơ quan Nhà nước cũng cần chung tay, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, hoạch định chính sách, miễn giảm nghĩa vụ cho doanh nghiệp.

Đơn cử thời gian qua, báo cáo cho thấy quỹ bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động đã và đang kết dư, vậy nên ngay từ bây giờ có thể xem xét giảm nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp.

Cảm ơn ông!

Ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:

Doanh nghiệp khó đủ sức chịu đựng

Tổng LĐLĐ Việt Nam có quyền đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhưng có lẽ đã “quên mất” báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến xáo trộn thị trường lao động châu Á và Thái Bình Dương. Hàng triệu người bị rơi vào tình cảnh mất việc. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 có thể tăng lên 5,7% thay vì 4,4% vào năm 2019.

Nhìn vào kinh tế Việt Nam tuy đã có dấu hiệu phục hồi song kinh tế thế giới thì chưa. Nếu tăng lương mà doanh nghiệp không chịu đựng được dễ dẫn đến sa thải lao động, khiến thất nghiệp gia tăng. Trong khi việc làm của người lao động là thứ cần ưu tiên và giữ an toàn thời điểm này. Tăng lương tối thiểu còn tác động đến hệ thống tiền lương, kéo giá cả lên cao, đi kèm là chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn phí...

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI):

Ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh

Chỉ khi tình hình dịch bệnh ổn định, chúng ta mới có thể đưa ra nhận định diễn biến của nền kinh tế. Còn trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ nhìn vào dấu hiệu phục hồi ban đầu của một số ngành để nói Việt Nam có đà phát triển thì quả thật còn quá sớm. Ngay cả khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp cũng cần phải có thời gian để “dưỡng bệnh” sau thời gian lâm nguy.

Cũng cần nói thêm, ngày nay, không chủ doanh nghiệp nào lại muốn người lao động của mình phải chịu thiệt thòi, nếu có cơ hội họ sẵn sàng chia sẻ. Thực tế chứng minh, khi đại dịch xảy ra, mặc dù tiền lương bị giảm sút do các đơn hàng bị cắt giảm nhưng người lao động vẫn được chủ doanh nghiệp chăm lo, đảm bảo chế độ chính sách.

Theo quy định, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người lao động làm việc theo hợp đồng được nhận. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu góp phần tăng hàng loạt các chi phí kèm theo, sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này vô hình trung sẽ khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, tăng giờ làm, thậm chí vi phạm pháp luật… Về phía người lao động có thể dồn từ khu vực chính thức sang phi chính thức, khó đảm bảo chế độ an sinh xã hội.

Tới thời điểm này, việc xây dựng kế hoạch chi phí cho năm 2021 cũng đã được các doanh nghiệp thực hiện. Do đó, trong quá trình đàm phán, hi vọng Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ đưa ra được phương án phù hợp, tránh gây bị động đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tác giả: Hoàng Ngân

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP