2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Trình bày trước UB Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến cuối năm 2017 đã có 13,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016.
Năm 2017, số thu bảo hiểm bắt buộc ước là 197.500 tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch. Để mở rộng đối tượng tham gia thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gắn với quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các ưu đãi khác của nhà nước như ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được trình hội nghị Trung ương 7 xem xét |
Bộ trưởng Dung cũng cho biết, trong đề án trình Trung ương, cơ quan tham mưu của Ban Cán sự đảng Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng. Nếu người đóng bảo hiểm xã hội rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng. Như vậy, người lao động có thể nhận lương hưu khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm, tất nhiên là chỉ được nhận bảo hiểm xã hội tương ứng với số tiền họ đóng.
Theo bộ trưởng Dung, hiện nay khó vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là bởi điều kiện của người lao động trong khu vực phi chính thức vẫn khó khăn.
Về bảo hiểm y tế, đối với khu vực nghèo, vùng sâu, bãi ngang, nhà nước đã hỗ trợ tới 46%, một số đối tượng được hỗ trợ toàn bộ. Nếu bảo hiểm xã hội mà hỗ trợ tỷ lệ như vậy cộng thêm với vận động con cái của họ hỗ trợ, giúp đỡ thì những người lao động ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn mới có thể tham gia bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu khi về già.
Do đó về tuổi nghỉ hưu, đề án trình Trung ương đặt ra lộ trình để nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Cụ thể, có hai phương án được trình ra. Phương án 1 là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng. Vấn đề trên sẽ được hội nghị Trung ương 7 cho ý kiến vào tháng 5 tới.
300.000 doanh nghiệp hoạt động mà không đóng bảo hiểm xã hội
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề, hiện tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 25,8%. Đây là tỷ lệ không tăng trong nhiều năm qua và là tỷ lệ rất thấp. Vì sao còn hơn 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia bảo hiểm xã hội? Việc phát triển, bao phủ bảo hiểm xã hội chậm nguyên nhân trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Đặc biệt, hiện quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư rất lớn nhưng chưa có trường hợp nào người lao động được hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng nghề trong khi Luật việc làm đã quy định vấn đề này. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, vấn đề xử lý nợ đối với doanh nghiệp bỏ trốn đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề được Quốc hội yêu cầu nhưng bộ không thực hiện, đến nay lại kiến nghị cho sử dụng ngân sách để đóng mà không hề có tổng kết, đánh giá tác động.
“Không thực hiện được mà giờ lại kiến nghị ngược lại là không thỏa đáng trong khi số tiền chi cho đại lý và bộ máy bảo hiểm xã hội quá nhiều mà không giải trình được. Cần đánh giá lại vấn đề này”-ông Phong nêu rõ.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng băn khoăn, hiện tại, diện bao phủ bảo hiểm xã hội mới ở mức 25,8% trong lực lượng lao động là thấp. Tỷ lệ này cũng không tăng trong nhiều năm qua. Nguyên nhân, theo bà Lan, là do số người đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao, ổn định tạo bền vững cho bảo hiểm xã hội nhưng lại đang giảm trong những năm qua.
Bà Lan đặt câu hỏi, tới đây số công chức trong những năm tới sẽ không tăng số người do đang tinh giản biên chế, vậy làm sao để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trong thời gian tới?
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nguyên nhân khách quan của việc này là do tuyên truyền chưa đúng mức, chưa đầy đủ với người dân. Qua khảo sát trên 70% người dân được hỏi chưa biết đến chính sách này.
Sau nữa, cơ chế hiện tại, nhà nước đang hỗ trợ 30%-25%-10% theo khu vực, nếu muốn phát triển được bảo hiểm xã hội chuyển sang khu vực nông thôn thì phải áp dụng từng bước như bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Dung cho rằng, cần ban hành quy định và biện pháp xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn đồng thời nghiên cứu đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho một số năm nhất định, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, chuyển kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1-1995.
Trước vấn đề các đại biểu đề cập về chi phí quản lý của bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc bố trí dự toán chi phí quản lý giai đoạn 2016-2018 đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết 1083 của UB Thường vụ Quốc hội và Luật Bảo hiểm Y tế. Cụ thể, mức chi phí quản lý xã hội bằng 2,3% dự toán thu, chi Bảo hiểm thất nghiệp.
Đề cập đến chi phí cải cách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Dũng cho biết, chi phí cải cách thủ tục bảo hiểm xã hội, năm 2018 là 511 tỷ đồng, 2019 là 431 tỷ, năm 2020 là 491 tỷ, và 2021 tăng lên 526 tỷ là do trong giai đoạn hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin. Đến năm 2021 hoàn thành chuyển sang giao dịch điện tử, như cấp chữ ký số theo đơn vị sử dụng lao động hoàn thiện mẫu hồ sơ của giao dịch điện tử, đây là dự kiến, lộ trình thực hiện.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Dũng kiến nghị phương thức giao chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo 2 phương án. Theo đó phương án 1 là quy định mức chi phí quản lý tính theo tỷ lệ % số dự toán thu, chi như giai đoạn 2016-2021; còn phương án 2 là quy định mức chi phí quản lý tính theo tỷ lệ% trên số thực thu, thực chi hàng năm.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí