Kinh tế

Để ngư dân làm chủ tàu lớn, cần tăng cường đào tạo nghề

Diễn Châu là huyện có số lượng tàu thuyền lớn, nhưng trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho ngư dân mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo thuyền trưởng, còn các nghề khác như sửa chữa máy móc, hay kỹ thuật năng đánh bắt hải làm, thì chưa được quan tâm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác đánh bắt hải sản trên biển của bà con ngư dân.

Đã gắn bó với nghề đánh bắt trên biển hàng chục năm nay, nhưng hàng trăm ngư dân xã Diễn Bích hầu như chưa được tập huấn đào tạo về kỹ thuật đánh bắt mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Bản thân Anh Nguyễn Minh - chủ tàu có 20 năm đi biển, cũng chỉ có trong tay tấm chứng chỉ thuyền trưởng sau khi tham gia khóa đào tạo thuyền trưởng do xã tổ chức trong 10 ngày. Chính vì vậy, mỗi khi đôi tàu xa bờ có tổng công suất 900CV, bị hỏng hóc trên biển, anh lại phải thuê tàu khác lai dắt vào bờ để sửa chữa. Anh Minh nói: Bọn tôi cũng muốn tham gia các lớp học để sửa chữa những trường hợp bị sự cố trên biển để khắc phục, nhưng không có thời gian bởi thời gian học dài, lâu nên không thể học được.

Phần lớn ngư dân xã Diễn Ngọc chưa được qua tập huấn đào tạo về kỹ thuật đánh bắt mà chỉ dựa vào kinh nghiệm để xử lí các sự cố trên biển


Còn tại xã vùng biển Diễn Ngọc, mặc dù chính quyền cũng đã có quan tâm đến đào tạo các nghề gắn với biển cho ngư dân. Nhưng do kinh phí khó khăn, mỗi năm xã cũng chỉ đều phối hợp mở được từ 1- 2 lớp đào tạo thuyền trưởng ngắn hạn cho các ngư dân, chủ yếu là trang bị kiến thức cơ bản về nghiệp vụ thuyền trưởng tàu cá, nghiệp vụ hàng hải, luật và an toàn tàu cá… Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho rằng: Đối với lớp kỹ thuật sửa chữa máy thì ngư dân rất cần thiết mà chưa đào tạo được một lớp nào. Đó là nhu cầu cần thiết của bà con ngư dân trong giai đoạn hiện nay mà chuyển đổi từ đánh bắt thuyền nhỏ máy nhỏ sang thuyền lớn, máy lớn.

Đào tạo các nghề gắn với biển là một nhu cầu cần thiết của ngư dân để tăng hiệu quả kinh tế từ biển.


Công tác đạo tạo nghề cho ngư dân ở Diễn Châu vẫn còn hạn chế, mỗi năm chỉ được khoảng 300 người, chủ yếu là các ngành nghề chế biến, bảo quản hải sản. Còn về kỹ năng đánh bắt, kỹ năng lái tàu, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; cách cứu hộ, cứu nạn trên biển; cách điều khiển tàu chạy tránh bão, phương cách bảo quản hải sản an toàn… thì hầu như chưa có. Vì vậy, ngư dân chưa làm chủ được phương tiện kỹ thuật khi đánh bắt trên biển.

Ông Phan Xuân Vinh- Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Lâu nay, việc đào tạo nghề chưa lồng ghép nhiều chương trình. Chúng tôi cũng đang đề nghị Sở nông nghiệp phối hợp với các trường có năng lực thông qua Trung tâm dạy nghề huyện hoặc các trường để đào tạo; cố gắng đào tạo hết thủy thủ, thuyền viên khi tham gia đánh bắt ngư trường ngoài khơi.

Diễn Châu hiện có trên 1.400 tàu thuyền lớn nhỏ.

Toàn huyện Diễn Châu có trên 1400 tàu thuyền với gần 5000 lao động trực tiếp trên biển, mỗi năm đánh bắt trên 36.000 tấn hải sản. Đồng thời cần khoảng 7000 người làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Thu nhập từ biển chiếm trên 10% tổng giá trị sản xuất toàn huyện. Để tăng hiệu quả khai thác đánh bắt trên biển và gia tăng giá trị từ chế biến hải sản, các ngành, các cấp cần quan tâm để đào tạo các nghề gắn với biển mà người dân, nhất là những ngư dân ở đây đang rất cần.

Tác giả bài viết: Mai Sao - Thanh Tùng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP