Trong nước

ĐBQH đề xuất cho Huế được áp dụng ngay 'mô hình tổ chức chính quyền đô thị'

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3 gồm các Đoàn ĐBQH: Nghệ An, Quảng Ngãi, Bắc Giang. Ảnh: Quang Vinh.

Đề cập đến Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, ĐB Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Thực tế, Hải Phòng đã áp dụng cơ chế chính sách đặc thù này trong thời gian qua.

Ông Trần Đức Thuận phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Do đó, đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, theo ông Thuận, chúng ta có thể nghiên cứu các chính sách đặc thù này để đưa vào Dự thảo Nghị quyết, tránh việc nghiên cứu nhiều văn bản. Bởi các cơ chế chính sách này đều do Quốc hội ban hành. “Nếu nghiên cứu đưa vào dự thảo, Nghị quyết này sẽ thuận lợi hơn trong kỹ thuật lập pháp và trong áp dụng thực hiện sau này”, ông Thuận bày tỏ.

ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Bởi Huế là Thành phố trực thuộc Trung ương không phải chỉ là mong muốn của Đảng bộ, cử tri, và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà còn là mong muốn của nhân dân cả nước.

Theo ông Lâm, Huế là địa danh lịch sử, có vai trò lịch sử quan trọng, có dấu ấn đậm nét sâu sắc trong suốt chiều dài văn hóa nước ta. Cả nước đều mong muốn địa danh này có dấu ấn phát triển xứng tầm với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Đó là nguyện vọng chung của cả nước, cũng là sự cố gắng phấn đấu của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, và bây giờ đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đặt ra. Tất cả các tiêu chí đều đạt tiêu chuẩn khi trình ra Quốc hội lần này. Qua đó, để Huế phát triển theo sự vươn mình của đất nước, xứng tầm với một thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Cũng theo ông Lâm, mô hình tổ chức chính quyền đô thị cũng do Quốc hội ban hành. Vì thế nên cho Huế được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để thực hiện ngay từ đầu nhằm tạo lợi thế để Huế phát triển mô hình tổ chức chính quyền đô thị như đối với Hải Phòng để Huế tạo sự khác biệt trong phát triển, mang tính chất của một chính quyền đô thị.

Đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, theo ông Lâm, Hải Phòng đã được thí điểm nhiều chính sách đặc thù. Đà Nẵng đã chính thức áp dụng, không thí điểm nữa. Cho nên mô hình này đã rõ, có cơ sở lý luận, thực tiễn nên yên tâm cho Hải Phòng thực hiện, không cần thí điểm nữa, nên để Hải phòng phát triển với mô hình tổ chức chính quyền đô thị của một thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã áp dụng.

Từ vấn đề trên, ông Lâm kiến nghị, Quốc hội nên đánh giá tổng kết việc áp dụng cơ chế chính sách đặc thù tại các địa phương để ban hành chung 1 mô hình tổ chức chính quyền đô thị áp dụng cho cả nước chứ không phải riêng từng địa phương. Qua đó các địa phương có thể lựa chọn mô hình phù hợp cho mình như chính quyền đô thị, và chính quyền nông thôn, bởi hiện nay chúng ta đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên phạm vi cả nước.

“Nơi nào là đô thị thì tổ chức chính quyền đô thị. Nơi nào nông thôn thì tổ chức chính quyền nông thôn, nếu chính quyền đô thị nhưng lại áp dụng mô hình như nông thôn thì chưa được bài bản”, ông Lâm nói.

Các đại biểu Tổ 3 tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

ĐB Đặng Ngọc Huy (Đoàn Quảng Ngãi) thống nhất cao với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Bởi việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã có cơ sở chính trị, Huế từng là cố đô của Việt Nam, có vị thế chính trị, đáp ứng yêu cầu và điều kiện.

Ông Huy cũng kiến nghị cho Huế được áp dụng ngay mô hình tổ chức chính quyền đô thị như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng.

Cho rằng hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại mỗi nơi đang có sự khác nhau, ông Huy bày tỏ nên sớm ban hành Luật chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Trong khi đó, ĐB Phạm Phú Bình (Đoàn Nghệ An) nêu lý do chưa cho Huế tổ chức chính quyền đô thị ngay lần này. Bởi nếu được thông qua thì Huế sẽ là Thành phố trực thuộc Trung ương có đường biên giới. Cụ thể là giáp với Lào. Hiện các xã biên giới đặc thù có quy định riêng về quản lý tổ chức chính quyền, chế độ, công tác biên phòng. Nếu Huế xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị phải xây dựng các xã biên giới. Do đó trong dự thảo Nghị quyết không nêu nội dung này. Tuy nhiên Huế cũng cần quan tâm hơn khi xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Ông Bình cũng cho biết, việc nâng cấp các huyện trực thuộc thành phố lên thành quận, thị xã sẽ dẫn đến 1 số đối tượng bị ảnh hưởng. Đó là các em học sinh thi tốt nghiệp PTTH. Trước kia các em được cộng 0,75 điểm , còn khi chuyển lên Thành phố thì được cộng 0,5 điểm, đó là thiệt thòi cho các em. Vì thế đây là cái cần tính đến. Nên chăng các chính sách đặc thù vẫn cho thực hiện đến giai đoạn nào đó đối với đối tượng yếu thế hơn so với các đối tượng bình thường khác vì từ nay đến kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2025 chỉ còn vài tháng.

Ông Thái Văn Thành phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Cùng quan điểm, ĐB Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) cho biết, khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương thì nhiều nông thôn thành thị xã, xã lên phường, huyện lên quận. Do đó có nhiều đối tượng học sinh thiệt thòi về điểm trong thi tốt nghiệp. Chưa kể điểm chỉ là một vấn đề, mà còn việc cơ chế chế độ chính sách cho các cháu không được hưởng nữa ví như người dân hộ nghèo, hộ cần nghèo. Do đó cần có lộ trình, sự chuyển tiếp thực hiện chế độ chính sách cho đến hết năm 2025.

Từ vấn đề tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, ông Thành kiến nghị nên sửa Luật tổ chức chính quyền địa phương thành Luật tổ chức chính quyền. Trong đó, có mô hình chính quyền đô thị và mô hình chính quyền địa phương. Mục tiêu của mô hình này quy định chức năng nhiệm vụ và phân cấp phân quyền. Có tiêu chí tiêu chuẩn, ai đạt được thì theo, rõ ràng mạch lạc chứ không phải xin từng mô hình một cách rời rạc.

Tác giả: Quang Vinh - Việt Thắng

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP