Giáo dục

Đây là những điều giáo viên không được làm ở nhà trường

Rất nhiều chuyện không đúng nhưng giáo viên vẫn phải thi hành, bởi họ biết, có phản ứng cũng chẳng được gì vì mọi việc đều được cấp trên đưa vào quy chế.

LTS: Trong thời gian vừa qua, ngành Giáo dục đã nổi lên nhiều vụ việc gây bức xúc như chuyện học sinh lớp 6 phải trở về lớp 1, sáng học lớp 5 - chiều học lại lớp 1.

Phải chăng những chỉ tiêu, thành tích đang khiến bảng điểm, những lời nhận xét hàng năm của các em mang nặng tính dối trá, hình thức khi tỉ lệ học sinh yếu, kém thì ít mà số học sinh "ngồi nhầm lớp" thì vẫn nhiều?

Là một giáo viên trong nghề, cô giáo Phan Tuyết có bài viết chia sẻ góc nhìn về cách đánh giá hạnh kiểm và học lực của các giáo viên hiện nay, cho rằng những cách đánh giá này phần lớn chịu sự chi phối của các áp lực chỉ tiêu do cấp trên dồn xuống.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Trong vô số điều giáo viên không được làm, không được nói ở trường phải kể đến việc nhận xét, đánh giá hạnh kiểm và học lực của học sinh trong các trường học hiện nay.

Về hạnh kiểm

Hạnh kiểm của học sinh Tiểu học được đánh giá ở 2 mức: Đạt (Đ) và chưa đạt (CĐ).

Phần lớn, các trường Tiểu học hiện nay đều đăng kí mức chỉ tiêu cần đạt về hạnh kiểm cho học sinh ở mức 100% thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ.

Bởi thế, khi đánh giá, giáo viên chỉ được phép đánh giá mức Đạt, dù trong thực tế, vẫn còn không ít em thực hiện chưa tốt.

Dù mới ở độ tuổi lên 10 nhưng có em thường vô lễ với giáo viên, luôn vi phạm nội quy trường lớp như nghỉ học không lý do, nói tục chửi thề, đánh bạn… dù giáo viên nhắc nhở nhiều lần vẫn không sửa.

Có những em đi học bọc theo dao bên mình, sẵn sàng hăm dọa, đánh bạn khi cần.

Có em đã biết rủ rê, lôi kéo và kết bè với những em bên ngoài đã nghỉ học để dùng vũ lực bắt bạn nộp tiền hàng ngày và khống chế, đe dọa nếu để cho cha mẹ hay giáo viên biết sẽ bị phạt nhiều hơn nên trong cả thời gian dài không ai hay biết gì cả.

tt1
Bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh: tuoitre.vn).

Làm thế, khi đánh giá hạnh kiểm những học sinh này, cũng chẳng giáo viên nào dám ghi hai chữ “chưa đạt”.

Lý giải cho việc học sinh Tiểu học ở các trường luôn đạt 100% hạnh kiểm tốt, một số sếp đã lên tiếng:

“Học sinh Tiểu học em nào chẳng yêu gia đình, yêu cha mẹ, xóm làng… ở độ tuổi còn nhỏ, các em có vi phạm lỗi này, lỗi kia cũng là nhất thời và dễ uốn nắn”.

Với học sinh bậc Trung học Cơ sở cũng vậy, chỉ tiêu nhà trường đưa về các lớp không quá 1% học sinh có hạnh kiểm trung bình.

Nghịch lý ở chỗ nếu 1 em hạnh kiểm trung bình đã chiếm 3%, có nghĩa chỉ tiêu trên đưa ra là bất khả thi, nhiều giáo viên bậc học này tâm tư:

“Học sinh dù vô lễ đến đâu, thậm chí có trường hợp đánh bạn gây thương tích nhưng khi xét hạnh kiểm vẫn phải xếp ở mức Khá vì sợ ảnh hưởng tới lớp, tới giáo viên”.

Có lẽ do các xếp du di như thế, một số học sinh hay nghịch ngợm, quậy phá cũng đinh ninh rằng dù thế nào thì cuối cùng mình cũng được đánh giá như những bạn học sinh chăm ngoan khác.

Về học lực

Không được phép cho học sinh ở lại lớp nên nhiều Ban giám hiệu các trường sợ nhất khi giáo viên dùng từ “Yếu” để đánh giá học sinh, bởi nếu học sinh có lực học yếu làm sao có thể lên được lớp?

Dù các em thật sự yếu (học lớp 3, lớp 4 còn đánh vần từng chữ hay chưa biết cộng trừ có nhớ…) nhưng giáo viên cũng chỉ dám ghi nhận xét: Em A học còn chậm; Em B tiếp thu chậm, lười học, chưa chăm…

Giáo viên vì sợ làm phật lòng cấp trên nên họ “chỉ đâu đánh đó”, răm rắp thi hành những mệnh lệnh bằng miệng ban ra.

Để rồi khi có chuyện gì xảy ra (như trường hợp học sinh lớp 6 phải học lại lớp 1 ở Sóc Trăng) Ban giám hiệu lập tức chối bỏ trách nhiệm nói mình không chỉ đạo mà do thiếu sót trong việc quá tin tưởng giáo viên.

Nếu lục lại hồ sơ những học sinh ngồi nhầm lớp từ các năm, đương nhiên cũng chẳng tìm thấy dòng chữ nào ghi những học sinh này học yếu.

Bậc Trung học Cơ sở, các môn học cũng giao chỉ tiêu, chẳng hạn môn Điạ lý, Lịch sử, Giáo dục công dân… phải đạt hơn 90% học lực trung bình.

Nhiều giáo viên cũng bất bình vì họ cho rằng ép chỉ tiêu sẽ làm khó giáo viên đánh giá học sinh không trung thực.

Nhưng mọi chuyện chẳng thay đổi được gì, bởi thế giáo viên đã tìm mọi cách để học sinh đạt điểm như xem thi dễ, giới hạn đề cương ngắn gọn, cho trả bài báo trước nhiều lần…

Rất nhiều chuyện không đúng nhưng giáo viên vẫn phải làm ngơ thi hành, bởi họ biết, có phản ứng cũng chẳng được gì vì mọi việc đều được cấp trên đưa vào quy chế (có quy chế bằng văn bản và quy chế bất thành văn).

Giáo viên không chấp hành là vi phạm quy chế chuyên môn, giáo viên nào vướng vào cụm từ ấy xem như công sức cả năm phấn đấu trở thành con số không tròn trĩnh.

Đến lúc này, ai sẽ là người bảo vệ họ đây? Không ai cả, ngoài chính họ!

Bởi thế, đừng vội quy kết giáo viên sống giả dối, hèn nhát; thay đổi được những thực trạng trên cần có sự cải tổ mạnh mẽ của cả ngành Giáo dục một cách toàn diện nhất.

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP