Giáo dục

Dạy con: Phụ huynh than “Bận lắm!”

Hầu hết phụ huynh làm gì cũng “gắn mác” vì con hay vì tương lai của con. Vậy nhưng đối với việc nuôi dạy đứa trẻ thì không ít bố mẹ khước từ ngay vì… bận lắm. Vai trò của bố mẹ trong việc dạy con không ai có thể thay thế nhưng nhiều người muốn “ủn” việc dạy con cho một ai đó.

Cậy “đối tác” bên ngoài

Trong một chương trình về nuôi dạy con, nhiều ý kiến đặt ra phụ huynh, con trẻ Việt đang thiệt thòi khi mà trường học còn nặng việc truyền thụ kiến thức, thiếu các hoạt động năng khiếu nhằm phát triển thiên hướng của trẻ.

Chị Trần Ngân Hà, ngụ ở quận 3, TPHCM phản bác lại, cho rằng nói “thiệt thòi” là chúng ta đang đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trong khi hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, bên ngoài cũng không thiếu các hoạt động phát triển năng khiếu cho trẻ. Nhưng việc nuôi dạy con không thể thoái thác cho “đối tác” bên ngoài.

1phuhuynh2 1483407672838
Nhiều phụ huynh kỳ vọng các trung tâm bên ngoài sẽ giải quyết mọi vấn đề của con mình (Ảnh minh họa)

Chị kể, con chị học nhạc tại một trung tâm của Nhật, ở đó yêu cầu phụ huynh phải tham gia vào giờ học cùng con, về nhà thì phải thực hiện theo các yêu cầu của họ để hỗ trợ, theo dõi từng giai đoạn của bé. Bạn chị thấy vậy suýt soa muốn cho con đi học nhạc. Nhưng khi nghe chị nói về việc… phải đi học cùng con, họ khước từ ngay, than bận lắm, không làm được.

Phụ huynh muốn con cao lớn, học giỏi, sau này thành tài; muốn con vừa trí tuệ lẫn đạo đức… Nhưng thực tế nhiều bố mẹ không ưu tiên và không muốn dành thời gian cho đứa trẻ. Tâm lý của rất nhiều phụ huynh là luôn suy nghĩ và mong chờ ai đó sẽ thay mình trong việc dạy con.



Trọng trách này được phụ huynh “cậy nhờ” vào giáo viên, nhà trường. Khi nhà trường không thể “ôm” hết, các trung tâm bên ngoài từ năng khiếu, kỹ năng sống lại được như một cứu cánh của bố mẹ với kỳ vọng giải quyết hết mọi vấn đề của con.

Phụ trách chuyên môn một trung tâm đào tạo kỹ năng sống ở TPHCM kể, nhiều phụ huynh bỏ tiền triệu cho con tham gia các khóa học vài ba tháng nghĩ rằng con mình sẽ thay đổi hoàn toàn. Từ một đứa trẻ không biết làm việc nhà, khi trở về thao tác như chiến sĩ quân đội; quậy phá, chống đối thì trở nên ngoan hiền, nghe lời; cộc cằn, vô cảm bỗng dưng ngọt ngào, biết yêu thương bố mẹ vô bờ bến…

Nhưng khi nghe đề nghị bố mẹ phải cùng đồng hành, hỗ trợ đứa bé trong và sau quá trình học thì nhiều phụ huynh lắc đầu. Nào là phải đi công tác, phải kiếm tiền… việc dành thời gian cho con không phải được xếp cuối cùng mà gần như không trong hoạt động của nhiều bố mẹ.

Xếp lịch cho con trong thời khóa biểu

Thiếu thời gian cho con là một vấn đề nan giải của các bậc làm cha làm mẹ ngày nay khi họ phải quay cuồng với công việc mưu sinh cùng các mối quan hệ xã hội. Vậy nhưng, rất nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra ở các nước tiên tiến, phụ huynh bận rộn hơn gấp bội, mấy ai nhàn rỗi ngồi ăn nhậu hàng giờ đồng hồ mà họ vẫn có thời gian cho con trẻ.

2phuhuynh1 1483407666884
Thời gian chất lượng của bố mẹ cho con trẻ là việc không một ai, một công cụ nào có thể thay thế

TS Nguyễn Khánh Trung cho hay, ở Pháp, phụ huynh cực kỳ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thời gian sinh hoạt chung trong gia đình có đầy đủ cha mẹ và con cái như ăn uống chung, tập thể thao, đi dạo, đi xem phim… Họ xem đó là yếu tố quan trọng trong giáo dục con con cái, một khía cạnh mà nhiều phụ huynh đang bỏ quên.

Theo ông Trung, ở đâu phụ huynh cũng bận hết, ai cũng phải làm việc nhưng cốt lõi chúng ta có thật sự muốn và ưu tiên thời gian cho con hay không. Việc dạy con không thể nói vì tôi bận!

TS Nguyễn Đông Hải kể ở Mỹ, khi con cái đi vui chơi, thể thao hay tham gia các hoạt động… có thể thấy rất đông bố mẹ ở trên khán đài cổ vũ, theo dõi. Khi đưa đón con tham gia các hoạt động thay vì quay về rồi quay lại cũng mất khoảng thời gian dài, ngồi cà phê hay làm gì đó thì họ chọn ở lại cùng con.

“Họ xếp lịch dành cho con trẻ như hôm nay đi đâu, làm gì cùng con.. ngay trong thời khóa biểu hàng ngày của mình như là thời khóa biểu làm việc”, ông Hải nói.

Còn phụ huynh Việt, rất nhiều người không có thời gian để ăn uống, trò chuyện cùng con. Không có thời gian để đưa đón, chơi với con nên họ gửi gắm con đến lớp học thêm hay vô tình đưa đẩy con đến các thói xấu như chơi game, đàn đúm, tụ tập…

Nhiều vấn đề bất ổn của con trẻ ngày nay đều xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm, gắn kết với cha mẹ. Không dành thời gian, thiếu sự đồng hành với con nên không ít phụ huynh “té ngửa” khi là người cuối cùng biết chuyện của con. Nhiều đứa trẻ đã không xem sự tồn tại của bố mẹ trong các vấn đề của mình.

Như trăn trở của TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM) khi nhìn cảnh các quán ăn nhậu đông kín nghịt người vào buổi tối hay những ngày cuối tuần… Bởi đi cùng hình ảnh đó, có biết bao nhiêu đứa trẻ trong bữa ăn hôm nay, bữa ngủ đêm nay lại thiếu cha, thiếu mẹ.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP