Thầy hướng dẫn cũng cần có công bố quốc tế
Cùng với việc nâng chuẩn đối với NCS, nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng, cần phải nâng cao yêu cầu đối với bản thân những người hướng dẫn NCS. Đây cũng là một điểm mới trong dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo.
Theo TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo sau đại học ở nước ngoài cho rằng, đối với những người hướng dẫn NCS ở lĩnh vực KHTN-KT thì ít nhất phải đảm bảo 2 yêu cầu bắt buộc: Thứ nhất, phải có công bố quốc tế phù hợp với đề tài nghiên cứu của NCS và thứ hai là phải có đề tài nghiên cứu gắn trực tiếp với đề tài nghiên cứu của NCS.
Thầy hướng dẫn NCS cũng cần có công bố quốc tế trong lĩnh vực phù hợp với đề tài nghiên cứu của NCS.
Ông Dũng cho rằng, tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, người ta không đặt ra các yêu cầu đối với người hướng dẫn NCS bởi lẽ, tại các quốc gia này, đã là giáo sư tại một trường đại học thì "có thừa" tiêu chuẩn để hướng dẫn NCS. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, nên đặt ra yêu cầu này trong tình hình hiện tại của Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm này, TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) kiến nghị những yêu cầu cụ thể và "khắt khe" hơn.
Ông Phong cho rằng, điều kiện đối với người hướng dẫn tối thiểu phải là tác giả chính của ít nhất 1 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí ISI (đối với ngành KHTN-CN) hoặc trên các tạp chí Scopus (đối với ngành KHXH&NV) và hiện đang chủ trì một đề tài cấp trường, viện trở lên.
Ông Phong cũng kiến nghị, ngoài người hướng dẫn, các cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo tiến sĩ cũng cần đảm bảo những điều kiện nhất định. "Cơ sở đào tạo NCS hàng năm phải công bố hướng nghiên cứu của các giảng viên (trình độ TS, PGS, GS) và thông báo tuyển NCS theo hướng đó. Ngoài điều kiện bắt buộc theo quy định của Bộ GDĐT, cơ sở đào tạo có thể có thêm các yêu cầu khác nhưng không được trái và thấp hơn chuẩn quy định của Bộ" - ông Phong khẳng định.
TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) cũng cho rằng, nếu như các thầy hướng dẫn mà không có công bố quốc tế hay không có các dự án, đề tài nghiên cứu thì không nên nhận NCS. Ông Nam đề xuất, số lượng NCS cũng nên hạn chế theo định mức nghiên cứu để có chất lượng, không thể có chuyện các thầy dạy NCS để kiếm tiền như dạy tại chức được.
Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, việc các thầy hướng dẫn có dự án, đề tài nghiên cứu cũng như đã từng có công bố quốc tế thì việc NCS có thể có công bố quốc tế trước khi bảo vệ luận án là hoàn toàn có khả năng vì hoàn toàn có thể đứng tên chung với thầy trong một công trình nghiên cứu.
Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, việc yêu cầu người hướng dẫn có một lý lịch khoa học tốt như có công bố quốc tế là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc yêu cầu thầy hướng dẫn phải chủ trì một đề tài nghiên cứu vì với cơ chế hiện tại không phải ai cũng được chủ trì đề tài dù năng lực chuyên môn có thừa để hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Tuyển NCS theo các đề tài nghiên cứu
TS Lê Tiến Dũng chia sẻ, tại nhiều quốc gia phát triển, các giáo sư hay cơ sở đào tạo chỉ tuyển nghiên cứu sinh khi có các đề tài nghiên cứu chứ không phải là có NCS rồi mới đi tìm các đề tài, dự án nghiên cứu để làm.
Theo đó, khi có các đề tài, dự án nghiên cứu, các giáo sư hoặc các cơ sở đào tạo có thể đăng tải các thông tin "tuyển sinh" với đầy đủ các yêu cầu cũng như chế độ đãi ngộ đối với nghiên cứu sinh.
Những người làm tiến sĩ theo cách này sẽ gắn liền với đề tài nghiên cứu của giáo sư hướng dẫn và họ sẽ được trả lương theo quy định của các cơ sở đào tạo để thực hiện công việc nghiên cứu của mình.
Nghiên cứu sinh nên được tuyển theo các đề tài, dự án nghiên cứu của người hướng dẫn và các cơ sở đào tạo.
Ông Dũng cho rằng, việc các GS trả lương cho nghiên cứu sinh theo các đề tài nghiên cứu là một cách để giải quyết vấn đề kinh phí đào tạo tiến sĩ còn thấp hiện nay ở Việt Nam đồng thời tạo điều kiện để những người làm tiến sĩ có thể dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu.
Ông Dũng cũng chia sẻ, hiện tại, một bộ phận người hướng dẫn NCS ở Việt Nam đã thực hiện việc trả lương cho nghiên cứu sinh và đề tài của NCS nằm trong đề tài dự án của thầy. Đây là hướng đi đúng, cần phát huy.
"Như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) hiện nay đã có quy định mức lương cho các nghiên cứu sinh của đề tài. Đây là một quy định tốt có tác dụng nâng cao chất lượng của nghiên cứu sinh" - ông Dũng khẳng định.
Theo TS Dũng để thúc đẩy phát triển hướng đi này, các chương trình nghiên cứu quốc gia nói chung và đề tài khoa học cấp Bộ trở lên nên có một hướng dẫn chung về đào tạo NCS và trả lương cho họ từ đề tài.
"Thực tế chúng ta đào tạo tiến sĩ để làm nghiên cứu vì thế sẽ rất tốt nếu như nghiên cứu sinh đó nghiên cứu và phát triển bản thân trong một đề tài lớn của thầy hướng dẫn" - ông Dũng khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Nam Trân (Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, việc GS trả tiền lương cho NCS là chuyện bình thường ở nước ngoài bởi lẽ, ở các quốc gia này, học tiến sĩ phải toàn thời gian (thường học tập/làm việc trên 8 tiếng 1 ngày, 7 ngày 1 tuần).
Do đó, nếu GS muốn tuyển sinh viên từ các các nước đang phát triển thì phải cung cấp tiền ăn ở, sinh hoạt để sinh viên từ mấy nước này chuyển qua sinh sống, làm việc và học tập ở nước của GS do mấy sinh viên này rất nghèo.
Còn nếu GS muốn tuyển sinh viên từ nước của GS đang ở thì phải trả lương, mà lương cao nữa là khác vì sinh viên đã tốt nghiệp đại học và đạt được đủ tiêu chuẩn để học tiến sĩ thì cũng thuộc dạng khá giỏi và hoàn toàn có khả năng kiếm được việc làm lương tương đối cao mà làm việc thì thoải mái hơn học tiến sĩ nhiều.
"Muốn người ta bỏ làm để đi học tiến sĩ thì ngoài người ấy có đam mê, GS cũng phải trả cho người ấy một mức lương tương đối phù hợp với thời gian người ta bỏ ra" - TS Trân chia sẻ.
TS Trân cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, việc GS trả lương cho NCS cũng sẽ giúp những người làm tiến sĩ dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu, từ đó cho ra kết quả nghiên cứu tốt hơn thay vì đào tạo tiến sĩ theo kiểu tại chức, bán thời gian và không được trả lương như hiện nay.
Tác giả bài viết: Lê Văn
Nguồn tin: