Giáo dục

"Đạo đức khoa học bị suy đồi bởi tiền bạc"

GS Nguyễn Văn Trọng nổi tiếng với những công trình về Vật lý, nhưng ông lại được vinh danh ở giải Sách hay về hạng mục Giáo dục với tác phẩm Những ghi chép về quyền tự do. Ông có chia sẻ với VietNamNet xung quanh bước ngoặt “chuyển nghề” lý thú này.

Thưa giáo sư, sau mấy chục năm gắn bó với khoa học, nhìn lại con đường nghiên cứu, ông có tiếc nuối điều gì không?

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp trung học tôi đã thi đậu vào khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhập học được vài tháng thì tôi nhận được giấy báo được chọn đi học đại học ở Liên Xô. Tuy nhiên, chỉ trước ngày lên đường đi học tôi mới được thông báo về ngành học. Tôi được đi học vật lý lý thuyết, không phải do mình chọn lựa, nhưng hoàn toàn phù hợp với mong ước.


GS Nguyễn Văn Trọng

Năm 1970, tôi được về làm việc tại phòng vật lý lý thuyết thuộc Viện vật lý. Hồi tưởng lại thời kỳ đó, tôi vẫn cảm nhận được nhiệt tình khoa học của các đồng nghiệp.

Phần đông chúng tôi được đào tạo về chuyên môn khá tốt. Rất tiếc xã hội và bản thân chúng tôi lúc ấy chưa có được nhận thức đúng về khoa học, để hiểu được trách nhiệm đích thực của những người đầu tiên xây dựng nền móng cho khoa học nước nhà.

Chúng tôi bị thôi thúc bởi ý tưởng nông cạn muốn ngay lập tức đem lại lợi ích cho xã hội bằng những ứng dụng kỹ thuật mà không ý thức được trách nhiệm xây dựng một cộng đoàn các nhà khoa học mang tính tinh hoa cho đất nước.

Nói chung, thế hệ chúng tôi đã không ý thức được tầm quan trọng của các giá trị đạo đức nghề nghiệp của mình, cũng không ý thức được tính tự chủ của cộng đoàn các nhà khoa học là tối cần thiết cho hoạt động nghiên cứu.

Chúng tôi đã thiếu một cái nhìn văn hóa đúng đắn đối với khoa học, và chúng tôi cũng không được ai hướng dẫn để nhận thức được những vấn đề như thế.

Ông có thể so sánh việc nghiên cứu khoa học giữa thế hệ của ông và hiện nay? Theo ông, tại sao Việt Nam chưa có nhà khoa học lớn?

Nghiên cứu khoa học hiện nay trên thế giới đã không còn như trước, mặc dù tiền bạc và số lượng nhà khoa học rất nhiều. Một thực tế là số lượng tăng nhưng chất lượng lại giảm đi.

Đạo đức khoa học có phần suy đồi do khoa học đang bị đồng tiền chi phối, nghiên cứu trở nên đắt đỏ khiến cho khoa học mất đi tính độc lập. Những nghiên cứu nào có triển vọng ứng dụng công nghệ mới được đầu tư nhiều, điều này xói mòn đạo đức cơ bản của khoa học là bất vụ lợi.

Việt Nam chưa có nhiều nhà khoa học lớn là một thực tế, có lẽ do nhiều nguyên nhân. Tôi nghĩ rằng người Việt cần một thời gian nỗ lực mạnh mẽ tự phê phán để thay đổi cách nhìn về văn hóa nói chung và khoa học nói riêng, trước khi có thể xây dựng được một cộng đồng các nhà khoa học tự chủ có đạo đức nghề nghiệp thích đáng.

Thế hệ trẻ ngày này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi để tự lựa chọn nghề nghiệp thích hợp với bản ngã của mình. Thế nhưng, đây là một việc không dễ dàng và đòi hỏi nỗ lực tinh thần của mỗi người.

Nếu bạn trẻ nào tự thấy mình có khả năng và quyết tâm trở thành nhà nghiên cứu khoa học, thì tấm gương GS Ngô Bảo Châu có thể là một gợi ý. Nhưng tôi mong rằng tấm gương GS Ngô Bảo Châu không khiến bạn ôm mộng danh vọng lớn của sự thành đạt.

Việc tạm dừng nghiên cứu có phải do ông đã trả lời được câu hỏi về ý nghĩa của công việc nghiên cứu khoa học?

Điều ám ảnh tôi nhiều nhất chính là câu hỏi về ý nghĩa của công việc nghiên cứu khoa học. Nhưng khi đi tìm lời giải đáp, tôi mới thấy là mình đang đụng chạm đến một lĩnh vực triết học là nhận thức luận, càng tìm hiểu thì càng bị lôi cuốn và cũng buộc phải đụng chạm đến những câu hỏi nhân sinh khác.

Tôi tự nhận thấy mình đã từng hiểu sai rất nhiều điều, những nhận thức thu được tựa như mở mắt cho tôi thấy những chân trời rộng lớn đầy thú vị.

Việc tìm hiểu ý nghĩa của khoa học dẫn tôi đến nhận thức về ý nghĩa văn hóa của khoa học: Khoa học không phải là một công cụ cho một mục đích thực dụng nào đó. Bản thân khoa học như một bộ phận của văn hóa có giá trị tự thân, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người.

Khoa học không phải là công việc của đám đông, mà là công việc mang tính thiên chức của một số ít người có những đức tính đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp đặc thù.

Gần đây, cái tên “GS Nguyễn Văn Trọng” gắn với các dịch phẩm. Ông có thể kể về con đường tới dịch thuật của ông?

Tôi được thụ hưởng một sự đào tạo bài bản về chuyên môn từ các người thầy là các nhà vật lý hàng đầu của Liên Xô, và tôi rất biết ơn họ đã cho tôi một nền tảng lý thuyết cơ bản rất vững vàng.


GS Nguyễn Văn Trọng trong lễ trao giải sách hay

Sau thời gian đào tạo, tôi đã không có được điều kiện tốt để phát triển hoạt động nghề nghiệp, nhưng tôi rất quý trọng những thành tựu khoa học của mình đạt được trong hoàn cảnh khó khăn như thế, mặc dù những thành tựu ấy thật nhỏ bé.

Công trình tôi hài lòng nhất là Modification of electron-hole excitations for quantum well embedded in an asymmetric dielectric structures, Phys. Rev. B70, 045306 (2004) (Tên tiếng Việt: Sự thay đổi của các mức kích thích điện tử-lỗ trống đối với giếng lượng tử được cắm sâu vào một cấu trúc điện môi bất đối xứng). Sau công trình này, tôi đã sắp đến tuổi về hưu và nghĩ rằng đây cũng chính là lúc thích hợp để giã từ công việc nghề nghiệp mà tôi đã theo đuổi gần như cả đời.

Có một số lý do để tôi quyết định như vậy. Một là ,như người Anh nói “Tiệc đang vui là lúc nên về!“. Hai là, tôi có một số câu hỏi nhân sinh cho chính mình vẫn thường ám ảnh tôi, nhưng công việc nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự tập trung cao độ khiến tôi chưa có điều kiện tự giải đáp. Tôi nghĩ rằng đây là lúc thích hợp để tôi dành thời gian cho nhu cầu này của mình.

Nghiên cứu khoa học và dịch thuật là hai công việc hoàn toàn trái ngược nhau. Chắc hẳn ông cũng rất “đau khổ” khi đứng giữa hai ranh giới này và chuyển từ nghiên cứu sang dịch thuật?

Việc chuyển sang công việc dịch thuật xảy ra lúc tôi đã đến tuổi về hưu, vì vậy không hề có chuyện "đau khổ" của lựa chọn. Đơn giản là tôi không muốn tiếp tục làm nghiên cứu khoa học ở tuổi già nữa, mà lúc này lại muốn dịch một số cuốn sách mình yêu thích. Hai công việc cũng không hẳn là trái ngược nhau như vẻ bề ngoài của chúng.

Việc “chuyển nghề” của ông gắn với việc ông phải chuyển ngôn ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Anh. Trong bước đầu đến với dịch thuật, ông đã học ngôn ngữ này như thế nào?

Tôi từng khá ngại ngùng vì thứ tiếng Anh lỗ mỗ của mình. Nhưng nhìn quanh, những người làm chuyên môn phần nhiều cũng chỉ biết tiếng Anh ở mức đọc tài liệu nên cũng đỡ xấu hổ. Việc dịch cuốn sách đầu tiên với một ngôn ngữ mình không thật sự nắm vững, là rất khó khăn. Vì vậy, tôi chỉ dịch những câu hay rồi gửi cho bạn bè đọc.

Lúc đó, ông Chu Hảo đang làm thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ rất tâm đắc với những cuốn sách của tôi. Ông Hảo đề nghị tôi dịch toàn bộ cuốn sách. Mặc dù rất khó khăn nhưng đây là nguồn cổ vũ lớn. Cuốn sách dịch đầu tiên của tôi và cũng là cuốn sách đầu tiên của nhà xuất bản Tri thức chính là Bàn về tự do. Tôi phải thú nhận rằng, bản in đầu tiên còn rất nhiều lỗi, những lần tái bản lại mới hoàn thiện hơn.

Tôi được vỡ lòng một chút tiếng Anh trong trường Chu Văn An ở Hà Nội từ hồi nhỏ. Những năm đi học ở Nga cũng được một bà giáo dạy phụ đạo tiếng Anh. Thời gian này tôi đã phải viết các bài báo bằng tiếng Anh, nhưng là những bài báo chuyên môn vật lý. Sau này, tôi tự học thêm bằng nghe băng, đài. Sau khi dịch Bàn về tự do và Chính thể đại diện, trình độ tiếng Anh có được nâng lên.

Cảm ơn giáo sư về buổi trò chuyện!

Ông Nguyễn Văn Trọng sinh năm 1940 tại Hà Nội, năm 1960 ông sang Liên Xô học ở trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev theo chuyên ngành vật lí lí thuyết. Năm 1970 ông về Việt Nam nhận công tác tại phòng vật lí lí thuyết thuộc Viện vật lí Hà Nội (lúc đó mới được thành lập). Từ năm 1979 ông vào làm việc tại Viện vật lí TP Hồ Chí Minh cho tới khi về hưu (2005). Năm 1984 ông bảo vệ thành công luận án Doctor nauk (TS KH) tại Đại học Kiev.

Ông đã công bố 30 công trình khoa học vật lí trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Ông có nhiều chuyến đi làm việc ngắn hạn ở nước ngoài: Viện vật lí lí thuyết Kiev (Liên Xô), Đại học Stuttgart (CHLB Đức), Đại học Moncton (Canada) .

Ông được nhà nước phong hàm Phó giáo sư (năm 1984) và Giáo sư (năm 1991).

Ông đã dịch một số tác phẩm: J.S. Mill, Bàn về tự do (Nxb Tri Thức, 2005); J.S. Mill, Chính thể đại diện (Nxb Tri Thức, 2008); R. P. Feynman, Ý nghĩa mọi thứ trên đời (Nxb Tri Thức, 2010); A.I. Herzen, Từ bờ bên kia (Nxb Tri Thức, 2012); I. Berlin, Bốn tiểu luận về tự do (Nxb Tri Thức, 2014); I. Berlin, Tất định luận và tự do lựa chọn (Nxb Tri Thức, 2015); N. Berdyaev, Con người trong thế giới tinh thần (NXB Tri Thức, 2015).

Ông là tác giả của tác phẩm Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn (Nxb Tri Thức, 2015) mà nội dung là một số kết quả nghiên cứu về đề tài Hiểu về tự do của viện IRED (Đề tài do ông chủ trì và phụ trách). Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết chính luận đăng trên các tạp chí như Tia Sáng, Thời báo kinh tế Sài gòn, Sai Gòn Tiếp thị...

Tác giả bài viết: Lê Huyền (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP