Thời gian gần đây, nhiều người dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau) bức xúc cho rằng, họ bị chính quyền địa phương “ăn chặn” tiền hỗ trợ hạn, mặn với danh nghĩa đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Tiếp xúc với PV Dân trí, người dân cho biết, cán bộ đã ngang nhiên bớt xén tiền hỗ trợ của họ mà không hề có biên lai, chứng từ gì.
Tiếp xúc với PV Dân trí, người dân cho biết, cán bộ đã ngang nhiên bớt xén tiền hỗ trợ của họ mà không hề có biên lai, chứng từ gì.
Đơn yêu cầu giải quyết vụ việc của người dân.
Chị L. (ngụ ấp 18, xã Biển Bạch) cho biết, khi tổ chức chi tiền hỗ trợ hạn, mặn cho dân, ông Lê Văn Kiệp (Trưởng Ban Nhân dân ấp 18) phát biểu, xã có chủ trương vận động người dân đóng góp một phần vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, cứ mỗi 1 triệu đồng tiền hỗ trợ hạn, mặn, người dân phải đóng góp 40.000 đồng.
Chị L. thông tin thêm, gia đình chị được hỗ trợ hơn 10 triệu đồng, theo chủ trương của xã thì chị buộc phải đóng góp hơn 400.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định thì quỹ này được thu theo hình thức tự nguyện.
“Lúc đó tôi nghĩ là chủ trương của xã nên mới đồng ý, nhưng sau suy đi nghĩ lại thấy mình đóng tiền thì phải có biên lai, phiếu thu, chứ trừ ngang như thế thì tôi thấy rất nghi ngờ”, chị L. nhận định.
Quan điểm của chị L. cũng là quan điểm chung của hầu hết người dân khi bất ngờ bị trừ tiền hỗ trợ hạn, mặn.
Nhiều người còn cho biết, họ còn bất bình khi việc hỗ trợ được thực hiện theo kiểu “ưu tiên” cán bộ, đảng viên.
Người dân kể đơn cử như ông Nguyễn Văn Nhỏ (một hộ dân ở ấp 18) canh tác 1,5 ha lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại hoàn toàn nhưng không được hỗ trợ gì. Ngược lại, ông Lê Văn Kiệp (Trưởng Ban Nhân dân ấp 18) thiệt hại chỉ 1 ha nhưng lại được hưởng tiền hỗ trợ hạn, mặn lên 2 ha. Ông Trần Minh Chiến (Chủ tịch Hội Khuyến học – Mồ côi xã) chỉ nhận hỗ trợ bơm nước 1 ha nhưng nhận tiền hỗ trợ cho 2 ha. Ông Ngô Văn Vương (Phó Ban Nhân dân ấp 18) có 1 ha nhưng nhận tiền hỗ trợ cho 3 ha…
“Bản thân tôi dốt nên không biết viết đơn yêu cầu khiếu nại gì cả, tôi cũng không cần số tiền vài ba triệu đồng hỗ trợ gì đó, nhưng nói thật tôi rất bất mãn với cán bộ địa phương vì các anh là phụ mẫu của dân, là đảng viên nhưng lại làm ăn kiểu gian dối như vậy”, ông Nhỏ bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, gia đình ông canh tác 1,5 ha lúa trên đất nuôi tôm bị mất trắng nhưng không được hỗ trợ đồng nào.
Để làm rõ thông tin vụ việc, PV đã tìm đến tận nhà ông Lê Văn Kiệp để tìm hiểu nhưng không gặp. PV điện thoại liên hệ thì ông không bắt máy.
Sau đó chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Lê Vũ Hoàng (Chủ tịch UBND xã Biển Bạch). Ông Hoàng cho biết, ông có nghe thông tin cán bộ ấp vận động người dân đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và một số quỹ của địa phương. “Cái này là ấp vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo… Trước khi cấp tiền, mình có thông qua chương trình đó và được nhưng dân đồng tình, chứ không có việc bắt buộc”, ông Hoàng lý giải.
PV đặt nghi vấn, nếu người dân đồng tình sao nay lại phản ánh với báo chí? Ông Hoàng lập luận: “Có khi lúc mình triển khai dân người ta đồng ý, nhưng có khi chỉ đồng ý bên ngoài nhưng bên trong người ta không đồng ý”.
Về vấn đề tại sao thu tiền của người dân mà không ra biên lai hay phiếu thu theo quy định? Ông Hoàng nói do ấp đó làm chứ ông không biết.
Về việc cán bộ đảng viên được hỗ trợ nhiều hơn diện tích thiệt hại thực tế, ban đầu vị Chủ tịch xã cho rằng, ông chưa nghe người dân phản ánh, nhưng khi phóng viên nói người dân đã gửi đơn và có trình Đảng ủy, UBND xã, ông Hoàng lại nói: “Đơn thì có một cái, anh đã xử lý rồi và vị cán bộ này đã cam kết trả lại tiền hỗ trợ ở phần diện tích thừa”.
Được biết, việc vận động theo kiểu bắt buộc khi chi hỗ trợ tiền thiệt hại hạn, mặn không phải lần đầu tiên xảy ra ở Cà Mau. Trước đó, ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau) và một số địa phương khác cũng đã diễn ra tình trạng tương tự nhưng những địa phương này có ra phiếu thu rõ ràng. Sau khi phát hiện sai sót, xã Khánh Hòa đã nhận lỗi và xin lỗi dân.
Tác giả bài viết: Tuấn Thanh