Thanh Hóa là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và gần đây nhất là trận lũ lụt lớn trong năm 2017. Người dân nơi đây vốn rất khó khăn và càng khốn khó mỗi khi thiên tai tàn phá. Tiền được nhà nước hỗ trợ cũng không đáng là bao nhưng đó là sự chăm lo, chia sẻ để người dân đỡ cực nhọc mưu sinh. Thế nhưng, các "quan xã" Hoằng Phong đã “xin” phần trăm người dân con số lên đến hàng chục triệu đồng chỉ để “chè nước”.
Xin tiền hỗ trợ đi lại, chè nước cho cán bộ
Theo phản ánh của một số hộ dân thuộc xã Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), khi những hộ dân bị ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới vào cuối năm 2017 đến nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, lãnh đạo xã đã công khai “xin lại” 15% để chè nước, đi lại.
Một người dân xã Hoằng Phong cho biết: “Khi tôi nhận tiền hỗ trợ thì cán bộ chi trả tiền tự động thu lại 15% tổng số tiền gia đình được hưởng. Nhà tôi được nhận khoảng 17 triệu thì bị thu lại hơn 2 triệu đồng, tôi có hỏi lý do thu thì họ nói để hỗ trợ việc cán bộ đi lo giấy tờ, chè nước…”.
“Nhà tôi bị bão lụt cuốn trôi mất 1,7 ha tôm đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, thiệt hại nhiều tỉ đồng, chỉ được nhà nước hỗ trợ khoảng hơn 5 triệu. Đợt này mới nhận có 3 triệu đồng, hôm nhận xã thu luôn 150.000 đồng/1 triệu đồng. Tôi cũng thấy bất bình vì xã nói hỗ trợ đi lại chè nước là không thuyết phục, đó là trách nhiệm của họ phải làm cho dân, họ đã ăn lương rồi mà”- một người khác bức xúc.
Nhiều hộ dân bị mất cả tỷ đồng vì thiệt hại tôm trong đợt áp thấp nhiệt đới nhưng khi nhận được mấy đồng trợ cấp của nhà nước thì bị xã xin phần trăm |
Cũng theo rất nhiều người dân xã Hoằng Phong trong diện được nhận hỗ trợ khẳng định hộ nào được hỗ trợ trên 1 triệu đồng sẽ “bị xin” 15%, hộ nào dưới 1 triệu thì xin 10%.
Được biết, việc chi trả tiền hỗ trợ trên được xã Hoằng Phong thực hiện vào ngày 31/1, đối tượng được hỗ trợ là những hộ bị thiệt hại diện tích nuôi trồng thủy sản đợt áp thấp nhiệt đới cuối năm 2017.
Đợt áp thấp này gây mưa lớn khiến hàng nghìn hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Hoằng Hóa bị ảnh hưởng, mất trắng, trong đó xã Hoằng Phong có 218 hộ. Theo thông báo, đợt này tỉnh Thanh Hóa chi trả trước 70% thiệt hại cho người dân xã Hoằng Phong với số tiền gần 1,2 tỉ đồng, có 205 hộ được nhận.
Chủ tịch xã phát ngôn “trước sau bất nhất”
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong ban đầu khẳng định không có chuyện như người dân phản ánh. Ông Thọ cho rằng, người dân có nhã ý muốn hỗ trợ cán bộ hợp tác xã 15% tiền chè nước đi lại nhưng lãnh đạo xã không đồng ý vì trách nhiệm của cán bộ là phải làm việc đó.
“Có một số hộ dân họ có lòng tốt ủng hộ người 50 nghìn, người 100 nghìn nhưng là họ tự ý muốn hỗ trợ cho anh em hợp tác xã. Tuy nhiên, đại đa số không hỗ trợ” – ông Thọ cho biết thêm.
Danh sách hỗ trợ xã cung cấp cho báo chí |
Để minh chứng cho lời mình nói, ông Thọ cho gọi Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản của xã đến cùng với đó là cuốn sổ ghi chép 23 hộ dân trong đó có người ủng hộ 50 nghìn, người ủng hộ 100 nghìn. Tuy nhiên, danh sách trên không có ngày tháng, không có người thu và không rõ thu vào việc gì và được viết vào một cuốn sổ rất cẩu thả, giống như mới được viết vội như để đối phó với báo chí.
Sau khi được phóng viên chất vấn và khẳng định phóng viên có đầy đủ bằng chứng việc xã xin phần trăm tiền hỗ trợ lũ lụt của dân không cần biết dân có đồng ý hay không. Vị chủ tịch UBND xã Hoằng Phong mới nhận việc “xin” tiền dân là có thật.
Xã Hoằng Phong- nơi xảy ra việc xin phần trăm tiền hỗ trợ lũ lụt của dân |
“HTX họ đã nói thật với tôi, danh sách trên là không đúng, họ đã thu được của khoảng 100 hộ dân với số tiền hơn 21 triệu đồng. Chúng tôi thấy việc làm này không đúng, tôi đã yêu cầu HTX mang tiền đến trả hết cho các hộ dân và sẽ cho họp để đưa ra hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm”- ông Thọ nói.
Ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa nêu quan điểm: “Đây là việc làm hoàn toàn sai, dù để sử dụng vào mục đích gì cũng đều là sai. Chúng tôi đã yêu cầu xã trả ngay. Tới đây huyện sẽ yêu cầu xã kiểm điểm để có hướng xử lý”- ông Cường nói.
Sau đợt áp thất nhiệt đới cuối năm 2017, huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương báo cáo tình hình thiệt hại với con số lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với gần 1000 tỉ đồng, trong khi tổng thiệt hại toàn tỉnh chỉ hơn 1000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi các cơ quan báo chí lên tiếng, UBND huyện Hoằng Hóa đã có báo cáo lại với số tiền thiệt hại 640 tỉ đồng, giảm gần 300 tỉ đồng. Sự việc sau đó được huyện này lý giải số liệu chênh lệch do tính sai giá trị sản lượng tôm. |
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí