Thế giới

Dàn khí tài hiện đại trên 3 tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương

Hải quân Mỹ đã điều động tàu sân bay USS Nimitz từ Trung Đông tiến đến Thái Bình Dương để tham gia cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. Việc triển khai các tàu sân bay, với dàn khí tài được trang bị hùng hậu, là động thái được cho là để phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ.

Cả 3 tàu sân bay ở Thái Bình Dương đều thuộc lớp Nimitz, trong đó tàu USS Nimitz có tuổi đời cao nhất là hơn 20 năm. Mỗi tàu dài khoảng 333m, rộng 77m và khoảng cách từ boong tàu tới mặt nước là hơn 40m. Mỗi tàu có 2 lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho 4 tua bin khí, giúp các tàu này đạt vận tốc tối đa 55km/h.

Mỗi tàu sân bay đều do một đơn vị phụ trách, bao gồm 9 phi đội gồm 5 loại máy bay.

Bốn phi đội trên các tàu đươc trang bị các biến thể của các máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet và Super Hornet. F/A-18 Super Hornets là một mẫu máy bay đa nhiệm, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như tấn công cả ngày lẫn đêm, tác chiến phòng không, hộ tống, hỗ trợ mặt đất, tiêu diệt hệ thống phòng không quân địch, tấn công trên biển và do thám. Nó có tầm chiến đấu 900km và tốc độ hơn 1900km/h.

Ngoài ra sẽ có 1 phi đội E-2C Hawkeyes. Đóng vai trò là máy bay trinh thám, E-2C được mệnh danh là “mắt diều hâu” và là một trong những “radar bay” chủ lực của Mỹ. E-2C được triển khai để kiểm soát không gian trong phạm vi 300 km, tìm kiếm và phân loại các mục tiêu cũng như dẫn đường cho các loại máy bay tiêm kích đánh chặn.

Một phi đội máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growlers là một trong những vũ khí đặc biệt trên các tàu sân bay Mỹ. Tuy cấu tạo khá tương đồng với “chim sắt” F/A-18E/F nhưng EA-18G có một bộ tác chiến điện tử gồm các radar giúp phát hiện cũng như gây nhiễu chống lại mối đe dọa từ các hệ thống phòng không đối thủ.

Không thể thiếu trên các tàu sân bay là phi đội máy bay vân tải C2-A Greyhounds. C2-A được trang bị 2 động cơ tua bin cánh quạt cho phép nó đạt vận tốc 635km/h và hoạt động trong tầm bay 2.400km, với khả năng chở 4,5 tấn hàng và 26 người.

Trên mỗi tàu sẽ có 2 phi đội trực thăng Seahawk với 3 biến thể khác nhau cho 3 loại tàu sân bay.

Dàn vũ khí chính trên tàu sân bay nằm ở hệ thống vũ khí được tích hợp trên các máy bay chiến đấu như tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, bom dẫn đường laser Paveway, tên lửa chống bức xạ AGM-88 Harm, đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154, AGM-158. Ngoài ra, 3 tàu sân bay vẫn được trang bị thêm 2 hệ thống vũ khí phòng vệ.

Một trong số đó là hệ thống tên lửa RIM-7 Sea Sparrow của NATO, hay còn được gọi là “chim sẻ biển”. Đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn của Hải quân Mỹ. RIM-7 đạt tầm bắn tối đa 19km, tốc độ bay lên tới 4.256km/h. Nó sử dụng cơ chế dẫn đường bằng radar bán chủ động.

Hệ thống còn lại là Phalanx, được coi là lá chắn cuối cùng của các tàu sân bay. Nó bao gồm tổ hợp khép kín tích hợp bao gồm pháo, đạn và radar lắp trên 1 bệ duy nhất. Pháo của Phalanx là tổ hợp 6 nòng bắn nhanh có khả năng bắn 4.500 viên/phút.

Các tàu sân bay thường di chuyển theo dạng nhóm tác chiến. Một nhóm tác chiến thường bao gồm tàu sân bay, ít nhất 1 tàu tuần dương, 6-10 tàu khu trục/hộ vệ, và 1 không đoàn tàu sân bay, thực hiện nhiệm vụ tác chiến và bảo vệ lẫn nhau.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP