Tên lửa Hsiung Feng của Đài Loan (Ảnh: NDTV) |
AP dẫn lời giới phân tích cho biết kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền từ năm 2016, Đài Loan đã triển khai một nhóm tên lửa, hoàn thiện một tên lửa khác và đẩy nhanh tốc độ chế tạo một tên lửa thứ ba.
Theo David An, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đài Loan Toàn cầu ở Washington, các tên lửa Hsiung Feng IIE chế tạo tại Đài Loan đã được triển khai và đủ khả năng phóng tới các căn cứ quân sự cách 1.500km tại Trung Quốc. Các tên lửa này đã trải qua quá trình nâng cấp vào năm ngoái để tăng khả năng tác chiến hiệu quả trước các tàu của đối phương.
Chuyên gia An cho biết Đài Loan cũng đã đẩy mạnh việc chế tạo các tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien với số lượng dự kiến khoảng 100 chiếc. Ngoài ra, hệ thống phòng thủ tên lửa Tien Kung do Đài Loan phát triển có khả năng đánh chặn các tên lửa Trung Quốc với tầm hoạt động lên tới 200km. Trong khi đó, PAVE PAWS, hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa của Mỹ đặt tại Đài Loan, góp phần phát hiện các máy bay và tên lửa đang bay về phía hòn đảo này.
Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chen Chung-chi đã từ chối xác nhận việc hòn đảo này triển khai các tên lửa Hsiung Feng IIE sau khi trang tin quân sự Kanwa Defence Review đăng các bức ảnh cho thấy các tên lửa này nằm ở vị trí cách Đài Bắc 50km về phía tây, gần sân bay quốc tế lớn của Đài Loan.
“Họ đang quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển năng lực quân sự trên mặt đất”, Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định.
Các chuyên gia quân sự tin rằng Đài Loan rất có thể đã triển khai các tên lửa Hsiung Feng IIE.
“Tên lửa này đã được phát triển thành công. Họ đã phóng thử nhiều lần và mô tả đây là các vụ phóng thành công”, Andrew Yang, cựu lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan và hiện là tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao Trung Quốc, cho biết.
Theo chuyên gia David An, các tên lửa hiện tại của Đài Loan đủ khả năng tấn công các tàu và đánh chìm các phương tiện vận tải trên biển. Tuy vậy, Đài Loan vẫn bị tụt hậu trong lĩnh vực phát triển tàu ngầm và máy bay tàng hình. Đài Loan vẫn phải trông cậy vào Mỹ để bảo đảm năng lực của lực lượng không quân, đồng thời hy vọng Washington sẽ cấp phép để Đài Loan có thể phát triển công nghệ tàu ngầm điện diesel.
Những động thái trên của Đài Loan là dấu hiệu cho thấy cách hòn đảo này đang tăng cường năng lực phòng vệ để đối phó với việc Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan. Bắc Kinh gần đây đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự để tham gia các cuộc diễn tập quân sự gần Đài Loan.
Trong một động thái nhằm phô diễn sức mạnh, Trung Quốc đã hơn 10 lần triển khai các máy bay quân sự tới gần Đài Loan. Tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc cũng đã di chuyển qua eo biển Đài Loan. Bắc Kinh hiện sở hữu kho tên lửa hùng hậu và đã nâng ngân sách quốc phòng lên 8,1% trong năm nay, trong khi Đài Loan chỉ tăng 2% trong giai đoạn 2017-2018.
Trung Quốc đã nhiều lần phản đối hợp tác quân sự giữa Đài Loan và Mỹ, song không thể ngăn cản các thương vụ trao đổi và mua bán vũ khí giữa hai bên. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain trong đó kêu gọi đánh giá toàn diện năng lực quân sự của Đài Loan với mục đích giúp đỡ hòn đảo này.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí