Thế giới

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án bạo lực tại dải Gaza

Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lên án Israel về các vụ bạo lực đẫm máu mới đây tại dải Gaza, khiến ít nhất 129 người Palestine thiệt mạng.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng bác bỏ một yêu cầu sửa đổi của Mỹ liên quan vấn đề này. Dù không có tính ràng buộc, song văn kiện có thể xem là một chiến thắng đối với chính quyền Palestine trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho người dân Palestine tại các thể chế quốc tế.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lên án Israel về các vụ bạo lực đẫm máu mới đây tại dải Gaza, khiến ít nhất 129 người Palestine thiệt mạng. Ảnh: AFP

Dự thảo nghị quyết, do các nước Arab đề xuất, đã được thông qua với 120 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 phiếu, trong khi chỉ có 8 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Trong khi đó, sửa đổi theo yêu cầu của Mỹ lên án Phong trào vũ trang Hamas, lại không thể nhận được 2/3 số phiếu cần thiết để được thông qua khi chỉ có 62 phiếu thuận so với 58 phiếu chống và 42 phiếu trắng.

Các nước Arab đã quyết định đưa vấn đề ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sau khi chính quyền Mỹ hồi đầu tháng này sử dụng quyền phủ quyết đối với văn kiện tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì cho rằng đó là “một sự thiên vị rõ ràng” chống lại Israel.

Nghị quyết vừa được thông qua lên án việc sử dụng bạo lực “quá mức, không tương xứng và bừa bãi” của Quân đội Israel nhằm vào dân thường Palestine, cũng như các vụ bắn rocket từ dải Gaza nhằm vào những khu vực dân sự của Israel. Văn kiện cũng yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chuẩn bị các đề xuất nhằm xây dựng một cơ chế bảo vệ quốc tế đối với dân thường Palestine tại dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng.

Những đề xuất này có thể là việc thành lập một phái bộ quan sát hay một lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, để có thể triển khai trên thực tế, tất cả các đề xuất đều cần phải được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi mà Mỹ có quyền phủ quyết.

Đại sứ Palestinetại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour nhấn mạnh: “Lên án, lấy làm tiếc, bày tỏ lo ngại thôi là không đủ. Chúng ta cần những hành động cụ thể nhằm bảo vệ dân thường. Yêu cầu của chúng tôi là rất đơn giản, đó là muốn dân thường của mình được bảo vệ. Chúng ta không thể im lặng khi đối mặt với những tội ác đẫm máu, vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống chống lại người dân. Chúng tôi sẽ không im lặng và sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ dân thường. Đây là quyền của tất cả mọi người và người Palestine cũng không phải là một ngoại lệ”.

Mỹ và Israel đã chỉ trích mạnh mẽ văn kiện, cho rằng nó đã phớt lờ mọi sự liên quan của Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát dải Gaza. Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon chỉ trích việc thúc đẩy thông qua văn kiện là một nỗ lực nhằm tước đi của Israel quyền được tự vệ chính đáng.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng, đây là một cuộc tấn công nhằm vào Israel: “Bản chất của nghị quyết rõ ràng cho thấy các động cơ chính trị đằng sau đó. Nó hoàn toàn là một chiều khi không hề nhắc tới Hamas, một phong trào vũ trang thường xuyên kích động bạo lực tại dải Gaza. Những nghị quyết một chiều như thế này tại Liên Hợp Quốc không giúp ích gì cho việc thúc đẩy hòa bình giữa Ixraen và người Palestine”.

Không giống như tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có tính ràng buộc và vì thế cũng không có quyền phủ quyết. Tháng 12 năm ngoái, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng từng tiến hành một cuộc bỏ phiếu về cuộc xung đột Israel-Palestine, bác bỏ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đây. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khi đó đã cảnh báo, Mỹ “sẽ điểm mặt nhớ tên” những nước ủng hộ nghị quyết dù, có tới 128 nước đồng thuận so với 9 nước phản đối và 35 nước không đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên, việc dự thảo nghị quyết ngày hôm qua nhận được ít hơn 8 phiếu so với cuộc bỏ phiếu về Jerusalem hồi cuối năm ngoái, đã một lần nữa cho thấy cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine vẫn còn nhiều khó khăn và chông gai.

Israel và Hamas đã trải qua 3 cuộc chiến tranh và Liên Hợp Quốc cảnh báo một cuộc xung đột lần thứ 4 có thể dễ dàng bùng phát bất cứ lúc nào, trừ khi các bên có thể tìm ra được một giải pháp thông qua đàm phán cho cả vấn đề dải Gada, cũng như vấn đề quy chế của Jerusalem./.

Tác giả: Thu Hoài

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP