Kinh tế

Đại gia Vũ Văn Tiền nói cách 'chơi' với nhà thầu Trung Quốc

Nhiều dự án có vốn nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhà thầu Trung Quốc lâm cảnh đội vốn, chậm tiến độ, nằm đắp chiếu. Nhưng đại gia Vũ Văn Tiền vẫn bày tỏ sự tin tưởng với nhà thầu từ quốc gia này. Vì sao?

Tháng 5/2018, nhà máy nhiệt điện Thăng Long - nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân đầu tư - đi vào vận hành thương mại tổ máy số 1 và đế nay đã đi vào vận hành cả hai tổ máy. Nhà máy này do Công ty CP nhiệt điện Thăng Long đầu tư với tổng vốn là hơn 13 nghìn tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco, cho hay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được xây dựng trong thời gian kỷ lục (3 năm) với các mốc vận hành thương mại đều sớm hơn từ 2 tuần đến 2 tháng, tiết kiệm cho chủ đầu hàng trăm tỷ đồng.

Điều đáng nói, đây cũng là một dự án sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Nhắc đến việc dùng nhà thầu Trung Quốc, ông Vũ Văn Tiền cho hay: Mình làm gì thì làm, phải đảm bảo hiệu quả, đảm bảo môi trường, công nghệ G7.

Dự án nhiệt điện Thăng Long. Ảnh: L.Bằng

Sắp tới, vị đại gia này cũng có kế hoạch đầu tư một dự án nhiệt điện khác là nhiệt điện Quỳnh Lập 1 ở Nghệ An. Ông Vũ Văn Tiền kể: "Mọi người hỏi tôi dự án này dùng nhà thầu Trung Quốc hay không? Tôi bảo ông nào không quan trọng, miễn tôi chọn được nhà thầu theo yêu cầu của tôi là công nghệ cao, môi trường đảm bảo, tiến độ phải vượt, hiệu suất hiệu quả tốt".

Ông Tiền không ngần ngại nói về việc vay vốn Trung Quốc để làm dự án vì “10 năm nay ngân hàng ở các nước G7 không cho vay” đầu tư dự án vì nguồn tiền của họ cũng hạn chế.

“Nhà máy này vay ngân hàng của Trung Quốc, chứ giờ ngân hàng của châu Âu họ không cho vay”, ông Vũ Văn Tiền nhắc đến dự án nhiệt điện Thăng Long.

Thực tế, từ lâu nay, hình ảnh của nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam thường gắn liền với các tai tiếng, chủ yếu tại những dự án có vốn nhà nước.

Điển hình của dự án mắc cạn vì sử dụng nhà thầu Trung Quốc không thể không nhắc đến dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Dự án hơn 8.000 tỷ này đến nay vẫn dở dang sau khi đã rót vào là hơn 4,4 nghìn tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là vì chọn nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Giờ đây, khi dự án nằm đắp chiếu, việc đàm phán để khôi phục lại dự án vẫn nằm trong vòng bế tắc. Lý do được lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam giải thích là “Họ không hợp tác nên không đàm phán được. Họ cũng không hứa hẹn gì cả”.

Một dự án khác cũng không kém phần chua chát là dự án đạm Ninh Bình vốn đầu tư 12.000 tỷ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Dự án này cũng sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Trong quá trình hoạt động, nhà máy chưa vận hành ổn định nhiều lần xảy ra sự cố kỹ thuật phải dừng máy để sửa chữa, bảo dưỡng dự án này nhiều lần. Đến nay, dự án đã khởi động lại nhưng vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc khiến dự án đến nay vẫn không thể quyết toán. Do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.

Đạm Ninh Bình đã thuê một đơn vị tư vấn pháp lý, nhưng đơn vị tư vấn đã đề nghị đạm Ninh Bình nên chọn phương án đàm phán thay vì khởi kiện vì “rủi ro thua kiện là có”.

Còn dự án đạm Hà Bắc cũng chưa xong quyết toán dự án mà phải chờ đợi phán quyết của Tòa do đang còn tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc.

Ông Vũ Văn Tiền cho rằng, cần nhìn nhận thực tế tình hình này. Theo ông Tiền, nếu hai doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam làm với nhau thì kiểu gì cũng phát sinh chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả. Nhưng nếu hai doanh nghiệp tư nhân của hai nước làm với nhau thì “khỏi phải suy nghĩ”. “Các vấn đề giải quyết được hết”, ông Tiền quả quyết.

Ngoài ra, theo vị đại gia này, không phải nhà thầu Trung Quốc mới gây ra đội vốn, chậm tiến độ. Dự án của các nhà thầu Nhật Bản như đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án Bến Thành - Suối Tiên cũng bị chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần.

Cho nên, ông Tiền nhấn mạnh, quan trọng là con người quyết định. Việc đàm phán, quản lý dự án phải thật tốt. Nếu đàm phán không tử tế và vô trách nhiệm thì dự án sẽ chết.

“Tôi không phải bênh anh nào cả, nhưng câu chuyện phải khách quan. Nhìn thế giới thế nào để làm ăn. Tôi trông mong mấy ông kia (các nước G7 - PV) thì không có nhà máy này”, ông Vũ Văn Tiền nói.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP