Kinh tế

Đại gia Việt: Người lương bạc tỷ, kẻ nhận 0 đồng

Cùng là những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng có người nhận lương bạc tỷ, có người chỉ nhận 0 đồng.

Cùng là những ông chủ của các doanh nghiệp lớn, nhiều đại gia như ông Dương Ngọc Minh, ông Nguyễn Đăng Quang, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều được xem là những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, thù lao mà những vị đại gia này nhận được lại một trời một vực.

Là người sáng lập và cổ đông lớn nhất của công ty cổ phần Hùng Vương, một trong những “ông lớn” làng thủy sản, ông Dương Ngọc Minh đồng thời nắm giữ hai chức vụ quan trọng nhất Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Thế nhưng, ông và cả dàn lãnh đạo công ty ngàn tỷ này lại chấp nhận mức thù lao 0 đồng.

Theo đó, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát công ty Hùng Vương chỉ nhận lương 0 đồng. Nghĩa là trong năm 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hà Việt Thắng, 3 thành viên Hội đồng quản trị Lê Nam Hải, Lô Bằng Giang, Nguyễn Văn Ký và 3 thành viên Ban Kiểm soát không được nhận bất cứ đồng lương thưởng nào.

Ông Dương Ngọc Minh

Không chỉ có vậy, trong kế hoạch 2016, dàn lãnh đạo này tiếp tục nhận lương 0 đồng. Đây không phải lần đầu tiên, ông Dương Ngọc Minh – người được biết đến với tên gọi “người tình của ca sỹ Mỹ Tâm” và các sếp bự khác trong công ty Hùng Vương làm “không công”. Mấy năm trở lại đây, tình trạng này đã diễn ra.

Tương tự như ông Dương Ngọc Minh, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng công ty cổ phần Tập đoàn Masan cũng chấp nhận nhận lương 0 đồng. Không chỉ ông Quang, các thành viên ban Hội đồng quản trị Masan không được hưởng bất cứ khoản thù lao nào trong 9 tháng đầu năm. Đây không phải lần đầu tiên các lãnh đạo này của Masan nhận lương 0 đồng.

Tuy nhiên, không phải tất cả lãnh đạo ban Hội đồng quản trị đều “trắng tay” khi làm sếp tại Masan. Trong Hội đồng quản trị có 2 thành viên có mặt trong Ban Giám đốc. Đó là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Masan và ông Nguyễn Thiều Nam, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Masan.

Điều đó có nghĩa dù “trắng tay” ở chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng ông Quang vẫn được trả hậu hĩnh khi nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Masan.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 3/2016, trong 9 tháng đầu năm 2016, thù lao cho Ban Tổng giám đốc là 80,09 tỷ đồng, tăng mạnh so với quỹ lương 56,74 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân mỗi lãnh đạo Masan được trả 16 tỷ đồng/người/9 tháng, tương ứng 1,8 tỷ đồng/người/tháng.

Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF) cũng thường xuyên nằm trong danh sách các công trả lương hậu hĩnh cho dàn lãnh đạo. Năm 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Quang Vũ nhận thù lao 121 triệu đồng/tháng, tương ứng 1,45 tỷ đồng.

Các thành viên Hội đồng quản trị được trả 20 triệu đồng/người/tháng, tương ứng 240 triệu đồng/người trong năm 2015. Sang năm 2016, VCF dự kiến giữ nguyên mức lương cho dàn lãnh đạo. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 9 tháng đầu năm nay ông Phạm Quang Vũ nhận 1,1 tỷ đồng.

Không chỉ những doanh nhân nổi tiếng nhận mức lương khủng. Theo số liệu thống kê của Navigos Search, mảng Bán lẻ, Hàng tiêu dùng và Giáo dục/Đào tạo đang dẫn đầu về trả lương tại Việt Nam trong quý 3/2016 với mức lương dao động từ 100 – 195 triệu đồng/tháng.

Những doanh nhân nước ngoài tại Việt Nam thậm chí có mức thu nhập cao hơn. Theo khảo sát của HSBC, thu nhập trung bình của các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là 103.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình của toàn cầu. Trong phạm vi các nước ASEAN tham gia khảo sát, mức thu nhập này chỉ thấp hơn Singapore khoảng 25% và gần bằng Malaysia (104.000 USD).

Như vậy, theo Zing, nếu tính theo tỷ giá 1 USD = 22.300 đồng thì lương chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam có thể dao động từ 2,2 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng/người/năm.

Tác giả bài viết: Thanh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP