Phạm Công Danh không chiếm đoạt tiền của VNCB?
Ngày 22/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 23/1, phiên tòa tiếp tục tranh luận |
Sau khi kết thúc phần luận tội của đại diện Viện KSND TPHCM, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh trình bày quan điểm. Đáng chú ý trong phần này có tới 7 luật sư bào chữa cho bị cáo Danh nhằm làm sáng tỏ tổng số tiền thiệt hại của vụ án.
Mở đầu, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm và dòng tiền. Luật sư Hoài nhấn hai vấn đề chính. Cụ thể, vụ án chưa xem xét bối cảnh gây ra hành vi phạm tội và dòng tiền. Nếu quy hồi dòng tiền thì mức độ thiệt hại của VNCB không nhiều như thế. Ví dụ như khoản tiền VNCB tăng vốn không thành, dòng tiền chuyển cho bà Hứa Thị Phấn…
Theo luật sư, nếu tiền trả cho nhóm bà Phấn là nguyên nhân đầu tiên gây ra hành vi thì cần phải xem xét. Bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo đã phải dùng tiền để duy trì thanh khoản cực kỳ khó và đó là nguyên nhân.
Theo ông Hoài, khi VNCB bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, ngân hàng này đang có 22 chi nhánh, 1.300 nhân sự và đang nắm giữ số lượng tài sản cầm cố hàng ngàn tỉ đồng. Vì vậy, việc ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng là thiếu căn cứ.
Trong các ngày xét xử trước đó, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương cho rằng vì áp lực từ ngân hàng Nhà Nước buộc VNCB phải tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng nên mới tìm cách vay tiền dẫn tới phạm. Sau đó, Phạm Công Danh đã dùng 4.000 tỉ đồng vay được từ các ngân hàng khác để tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Luật sư Hoài cho rằng Phạm Công Danh không chiếm đoạt tiền của VNCB mà chủ yếu sử dụng để chi chăm sóc khách hàng nhằm bảo đảm cho việc tái cấu trúc, tăng khả năng thanh khoản và tăng vốn điều lệ.
Đề nghị khấu trừ 4.500 tỉ đồng trong thiệt hại của VNCB
Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư Bùi Phương Lan cho rằng bị cáo Danh muốn cứu VNCB nên đã sử dụng rất nhiều tài sản của mình để đưa vào ngân hàng. Thực chất số tiền vay được từ các ngân hàng khác được chuyển đến tay bị cáo Danh để trả lãi ngoài cho nhóm ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và trả nợ cho bà Hứa Thị Phấn.
"Về quan điểm của đại diện CB (đổi tên từ VNCB) cho rằng dòng tiền 4.500 tỉ đồng Phạm Công Danh đưa vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ đã được hòa chung vào tiền của ngân hàng và đã sử dụng hết, tôi cho rằng đây là quan điểm không đúng. Số tiền này đã nằm trong tài khoản của VNCB trước kia và CB sau này. CB đã được hưởng lợi kép, vừa được hưởng khoản tiền 4.500 tỉ đồng mà không phải trả lại, vừa được yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền này. VNCB cần phải khấu trừ khoản tiền này vào thiệt hại cho các bị cáo" - Luật sư Lan kiến nghị.
Cùng bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Hà Hải tiếp tục đề nghị HĐXX thu hồi từ nhóm bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng ngân hàng cho Phạm Công Danh) hơn 4.000 tỉ đồng (gồm 2.700 tỉ đồng tiền gốc và lãi đến tháng 12/2017); thu hồi của ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) 2.700 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Luật sư Hà Hải đề nghị thu hồi tiền chi lãi ngoài vi có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật. |
Theo luật sư Hải, trong khoảng thời gian dài, Phạm Công Danh đã trả lãi từ tiền có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật. Theo chứng từ cơ quan điều tra thu thập và luật sư cung cấp cho HĐXX giai đoạn 1 thì ông Phạm Công Danh đã trả cho lãi ngoài hơn 2.760 tỉ đồng cho nhóm ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích.
Toàn bộ số khoản tiền ông Phạm Công Danh trả lãi này có nguồn gốc từ hành vi vi phạm đã được cơ quan điều tra thu thập và các luật sư chứng minh. Các khoản tiền này đã được cơ quan điều tra làm rõ, HĐXX xem xét nhưng chưa quyết định thu hồi. Do đó, ông kính đề nghị HĐXX thu hồi toàn bộ số tiền này cho CB dùng vào việc khắc phục hậu quả.
Luật sư Trần Minh Hải của bị cáo Danh còn kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước. Theo vị luật sư này, nếu tổ giám sát làm đúng trách nhiệm của mình thì vụ án không xảy ra.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí