Cuộc họp chiều qua có đông đủ lãnh đạo Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT, lãnh đạo các Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực…
Nóng nhất vẫn là xung quanh ý kiến và quan điểm bộ nào sẽ quản lí giáo dục nghề nghiệp. Theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – người dự cuộc họp này cho biết, các ý kiến đều khẳng định giáo dục nghề nên để cho một bộ quản lí, chứ không như hiện nay và do đó không tạo sự thống nhất.
Giáo dục nghề thuộc về một bộ quản lí từ đó mới giải quyết được vấn đề phân luồng, liên thông, hướng nghiệp…
Tuy nhiên, quan điểm giữa hai Bộ chưa có điểm chung và buộc phải lấy ý kiến bằng việc bỏ phiếu. PGS. Trần Xuân Nhĩ, tiên đoán, với những gì diễn ra thì ông cho rằng các ý kiến sẽ ủng hộ Bộ Giáo dục.
“Tôi ủng hộ đa số tán thành đưa quản lí Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về một bộ quản lí, bộ đó là bộ nào thì không thể là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được mà phải là Bộ GD&ĐT” PGS. Nhĩ khẳng định.
Được biết, sau khi lấy ý kiến về việc phân cấp quản lí Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cùng ngày, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về một số điểm kiến nghị liên quan tới Hệ thống giáo dục quốc dân và quản lí Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Sau khi nghiên cứu tài liệu được gửi kèm từ Công văn số 373/VPCP-TH ngày 24/6/2016, Hiệp hội đề nghị một số ý kiến.
Thứ nhất, về hệ thống giáo dục quốc dân. Hiệp hội cho rằng, báo cáo về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT được chuẩn bị trên tinh thần Nghị quyết 29, bám sát tình hình kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới do Bộ GD&ĐT đề xuất đã giải quyết được những vướng mắc cơ bản mà nhiều năm không khắc phục được, đó là vấn đề giáo dục nghề nghiệp, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, vấn đề phân loại giáo dục Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế, đây là những vấn đề mà Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất với Chính phủ. “Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hoàn toàn nhất trí với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới do Bộ GD&ĐT đề xuất” văn bản nhấn mạnh.
Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người và Hội khuyến học Việt Nam.
Cũng theo văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội có đề nghị sau khi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận thì cần sớm triển khai công việc tiếp theo, nhất là việc sửa lại các Luật về giáo dục và các văn bản dưới luật, cũng như tái cấu trúc mạng lưới trường.
Thứ hai, đối với quản lí Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Hiệp hội cho rằng, Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều tham gia vào chức năng quản lí nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Điều này gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông; khó khăn trong việc xây dưng và thực hiện quy hoạch tổng thể về giáo dục nghề nghiệp; hạn chế trong tuyển sinh đào tạo, kiểm định chất lượng, chông chéo trong quản lí.
Cũng theo văn bản mà Hiệp hội gửi Chính phủ, còn cho rằng theo quy định quốc tế, giáo dục nghề nghiệp không phải là một bậc học mà là cấu phần của hệ thống giáo dục quốc dân và phải được quản lí thống nhất.
Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều bố trí giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục quản lí.
Với Việt Nam, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã chỉ đạo: “Những thay đổi về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, phân cấp quản lí buộc chúng ta có sự thay đổi về cấu trúc bộ máy của Bộ GD&ĐT.
Từ thực tế của Bộ GD&ĐT thấy rằng tổ chức của Bộ phải đủ mạnh để đảm nhiệm ba mảng công việc lớn của Bộ là: Giáo dục phổ thông, dạy nghề và đại học. Cần nghiên cứu và tổ chức để có ba bộ phận có trách nhiệm và quyền hạn cụ thể hoạt động tương đối độc lập trong Bộ, đồng thời bảo đảm những mối liên hệ chung trong bộ máy chung của Bộ” – Trích Thông báo số 30/TB ngày 24/3/1997 của Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Từ những tinh thần này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT, để Bộ này là một đầu mối duy nhất quản lí giáo dục nghề nghiệp.
Tác giả bài viết: Xuân Trung