Giáo dục

Đà Nẵng cấm tuyển sinh trái tuyến nhưng siết chỗ này, phình chỗ khác

Sau một thời gian siết tuyển sinh trái tuyến, nhiều trường trung tâm Đà Nẵng bắt đầu tụt giảm số lượng học sinh, dư dôi phòng học, phải điều chuyển giáo viên..

Nhiều trường tiểu học có tiếng về chất lượng dạy và học đang dần có nguy cơ bị mai một bởi số lượng học sinh giảm dần qua các năm.

Siết nơi này, phình nơi khác

Trước tình trạng quá tải của một số trường tiểu học ở quận Hải Châu và Thanh Khê (Đà Nẵng), năm 2013, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng thông qua nghị quyết số 53/NQ-HĐND về cấm tuyển sinh trái tuyến.

Nghị quyết 53 của Đà Nẵng đang siết trái tuyến ở trường này nhưng lại "phình" ra ở các trường khác. Ảnh: TT

Cụ thể, để đảm bảo sĩ số học sinh theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo, đảm bảo học sinh tiểu học của thành phố được học 2 buổi/ngày tại trường, các trường tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, trường trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hải Châu) và trường tiểu Trần Cao Vân (quận Thanh Khê)

không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với học sinh trái tuyến, học sinh có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm tuyển sinh theo đúng quy định, trường hợp sai phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm điều tiết quy mô tuyển sinh trên địa bàn, không để xảy ra quá tải cục bộ ở các trường.

Theo phản ánh của đại diện các trường tiểu học, chủ trương này đã phát huy hiệu quả, ngăn cho các trường không “vỡ trận” khi tuyển sinh.

Điển hình như trường tiểu học Phan Thanh, năm học 2012-2013 có 31 lớp với 1.350 học sinh thì đến năm học 2013-2014 đã giảm đáng kể, chỉ còn 28 lớp.

Trường trung học cơ sở Trưng Vương có 50 lớp (năm học 2013-2014) đã giảm xuống còn 45 lớp (năm học 205-2016).

Tuy nhiên, đà giảm này diễn ra quá nhanh khiến các trường này từ chỗ quá tải chuyển thành thiếu hụt học sinh, dư dôi phòng học.

Cụ thể như trường Phan Thanh, số lượng học sinh cũng giảm từ hơn 1.350 học sinh đến nay chỉ còn 750 học sinh/20 lớp.

Tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cũng giảm số lượng lớp từ 32 lớp (năm học 2013-2014) xuống còn 25 lớp năm (năm học 2015-2016).

Thầy Cao Hữu Công – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, sau khi thực hiện nghị quyết 53 đã khiến số lượng học sinh của trường giảm nhanh chóng.

“Trước đây, khi thành phố còn cho phép tuyển ngoại tuyến thì trường có có 7 lớp 1 (đầu cấp) với số lượng gần 70 học sinh/lớp.

Nhưng năm học vừa qua (2016-2017) chỉ còn 4 lớp 1 với số lượng học sinh chỉ 29 học sinh/lớp”.

Theo thầy Công, việc số lượng học sinh giảm đã khiến nhiều phòng học bị dư dôi, không tận dụng hết cơ sở vật chất.

“Nhiều phòng học của trường được chuyển đổi thành phòng học chức năng như: phòng học tiếng Anh, vi tính.

Số lượng lớp học giảm nên trường cũng đã phải tiến hành điều chuyển một số giáo viên đến nơi khác.

Trong năm ngoái thì trường điều chuyển ba giáo viên, còn năm nay thì dự kiến sẽ điều chuyển thêm 2 người” thầy Công thông tin. Trường tiểu học Phan Thanh cũng đã phải điều chuyển 12 giáo viên.

Một nghịch lý là trong khi các trường nằm trong diện “bị quản” bởi nghị quyết 53 đang giảm mạnh thì số lượng học sinh tại các trường tiểu học như: Núi Thành, Trần Văn Ơn… lại đang “phình” ra.

Hiện các trường này đã quá tải học sinh và phải tìm cách điều tiết, luân chuyển sang các trường khác.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho biết, ngoài việc do gia tăng dân số cơ học thì hiện số lượng học sinh dồn về trường này đang tăng vọt lên.

“Năm rồi thì trường có 44 lớp nhưng chỉ có 33 phòng học. Do đó, năm học mới này trường chỉ tuyển 2 lớp 1 với 74 học sinh (thay vì 9 lớp như trước). Còn 7 lớp sẽ được điều tiết sang trường tiểu học Phan Đăng Lưu” cô Nguyệt cho biết.

Phải tạo sự bình đẳng giữa các trường

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, hiện quận đang tiến hành điều tiết một số lớp học từ trường này sang trường khác để cân bằng.

“Nói dư thì cũng không dư, chỉ có một số phòng học dư thừa ở trường tiểu học Phan Thanh. Tuy nhiên, trong năm học tới sẽ điều tiết một số lớp từ Trần Văn Ơn qua.

Còn tại trường tiểu học Phù Đổng và Hoàng Văn Thụ thì các phòng dư đó sẽ được chuyển đổi thành các phòng chức năng, phòng bộ môn như: âm nhạc, tin học…”.

Cũng theo bà Hà, về lâu dài, nghị quyết 53 vẫn phát huy được vai trò của mình. Bởi dân số của quận Hải Châu sẽ tăng dần qua các năm.

Thống kê của Sở giáo dục cho thấy mỗi năm tăng thêm 5.000 học sinh nên số lượng học sinh ở các trường tiểu học như: Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng, Phan Thanh… sẽ tăng lên trong những năm tới. Vì thế, nghị quyết 53 vẫn sẽ đảm bảo để ngăn các trường trung tâm quá tải.

Trước những bất cập của nghị quyết 53, thầy Công cho biết, hiện vẫn chưa có phương án tháo gỡ cụ thể. Trước mắt, các trường vẫn phải thực hiện tuyển sinh, chấp hành theo công văn này.

Tuy nhiên, hiệu trường một số trường cho rằng, việc siết tuyển sinh trái tuyến trường này nhưng thả ở các trường khác đang khiến nhiều trường vốn có truyền thống về chất lượng dạy – học sẽ bị mờ nhạt.

Theo đó, tất cả các trường đều phải thực hiện đúng theo nghị quyết 53, tức là ai ở đâu thì học ở đấy nhằm tạo sự bình đẳng giữa các trường.

“Hoặc có thể cho phép một số trường trung tâm tuyển sinh 1-2 lớp có học sinh trái tuyến nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Tạo ra một sự khác biệt, cạnh tranh” một hiệu trưởng đề xuất.

Tác giả: Tấn Tài

Nguồn tin: Báo Giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP