Thế giới

Cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc từng viết thư cho Tổng thống Putin?

Cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal, người nghi bị đầu độc tại Anh hồi đầu tháng, từng hối tiếc vì trở thành một “điệp viên hai mang” và được cho là từng gửi thư cho Tổng thống Vladimir Putin.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: Reuters)

Theo Vladimir Timoshkov, một người bạn học của cựu đại tá tình báo Sergei Skripal, bản thân ông Skripal không coi mình là kẻ phản bội vì “lời thề mà ông đã nói ra là dành cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tức Liên bang Xô viết, chứ không phải dành cho nước Nga”. Ông Timoshkov cho biết người bạn của ông “bị xa lánh” sau khi bị kết tội phản quốc và những người bạn cũ của Skripal cũng cho rằng ông đã phản bội chính đất nước mình. Ông Skripal cũng từng hối tiếc vì trở thành một “điệp viên hai mang”.

Cựu đại tá Sergei Skripal từng có nhiều năm công tác trong Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) trước khi bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì hành vi làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Mật (MI6) của Anh. Tới tháng 7/2010, Skripal được trả tự do sau một cuộc trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ trước khi chuyển tới Anh sinh sống từ đó tới nay.

Theo ông Timoshkov, Sergei Skripal không thừa nhận ông là “kẻ phản bội” và từng viết thư cho Tổng thống Vladimir Putin với mong muốn “được tha thứ hoàn toàn”. Cựu đại tá tình báo cũng đề nghị chính phủ Nga cho phép ông quay trở về quê nhà vì ông muốn gặp lại mẹ, em trai và những người họ hàng thân thích. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác tin từng nhận một bức thư từ ông Skripal.

Ông Skripal và con gái Yulia bị phát hiện bất tỉnh trên một băng ghế ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Chính phủ Anh nghi ngờ Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok để hạ độc cha con ông Skripal, song Moscow một mực bác bỏ những cáo buộc này.

Căn cứ nghiên cứu quân sự Porton Down của Anh (Ảnh: Getty)

Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko hoài nghi về việc bằng cách nào các nhà chức trách Anh có thể nhanh chóng xác định loại chất độc được sử dụng là Novichok như vậy, trong khi Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) nói rằng phải mất ít nhất từ 2-3 tuần mới có thể phân tích được mẫu chất độc và xác định xem đó là loại gì.

“Liệu điều đó có nghĩa là Anh từ trước đó đã sở hữu loại chất độc thần kinh này trong phòng thí nghiệm hóa học của họ ở Porton Down, căn cứ quân sự bí mật lớn nhất tại Anh chuyên chế tạo các loại vũ khí hóa học, hay không?”, Đại sứ Yakovenko đặt câu hỏi, đồng thời cho biết căn cứ quân sự này chỉ cách thành phố Salisbury, nơi xảy ra vụ tấn công, hơn 12 km.

Tuy nhiên, lãnh đạo điều hành của Porton Down, ông Gary Aitkenhead, khẳng định với BBC rằng không có bất kỳ chất độc thần kinh nào liên quan tới vụ hạ độc cha con cựu điệp viên Nga được lưu trữ tại căn cứ nghiên cứu quân sự này. Ông Gary cũng bác bỏ nghi vấn về khoảng cách địa lý gần gũi giữa Porton Down và Salisbury, đồng thời cho biết phòng thí nghiệm Porton Down có mức độ kiểm soát và an ninh ở mức “cao nhất”.

Hiện các nhà điều tra vẫn đang khẩn trương làm việc để làm rõ các tình tiết liên quan tới vụ cha con cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh. Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) cũng cử các thanh tra viên vào cuộc điều tra. Băng ghế, nơi ông Skripal và con gái bị phát hiện bất tỉnh, cũng đã được các điều tra viên mặc đồ bảo hộ mang đi.

Một thẩm phán tại Anh ngày 22/3 cho biết cha con cựu điệp viên Nga có thể đã bị tổn thương não lâu dài và sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, tòa án Anh cũng đã cho phép lấy mẫu máu của cha con ông Skripal để các chuyên gia của tổ chức OPCW xét nghiệm và xác minh kết luận của Anh về việc hai người này đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh được sản xuất tại Nga.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP