Một góc chuồng nuôi gia súc, gia cầm của ông Gòn. |
Năm 1993, ông Gòn rời quân ngũ trở về quê hương trong lúc gia đình đang gặp nhiều khó khăn. Bố mẹ già, các con còn thơ dại. Điều đó luôn day dứt trong lòng và rồi cũng vào năm đó, khi Lệ Thủy bắt đầu thực hiện dự án 327 ở vùng gò đồi phía Tây huyện, ông Gòn là một trong số ít người đầu tiên ở xã chiêm trũng Liên Thủy xung phong ký kết với dự án rồi cùng vợ con lên dựng lán trại ở khu đất gần chân đồi An Mã (xã Trường Thủy).
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của dự án và vay mượn thêm ngân hàng, ông bắt tay ngay vào việc lập vườn cây giống. Nhờ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật kết hợp với vốn kinh nghiệm học hỏi được và sự lao động cần cù của cả gia đình, vụ ươm cây đầu tiên, ông Gòn ươm được 15 vạn cây bạch đàn cao sản và 3 vạn cây tràm hoa vàng. Trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 10 triệu đồng (tương đương hơn 10 tấn thóc nếu tính thời giá lúc đó).
Từ vụ ươm cây đầu tiên thành công, ông Gòn mạnh dạn dùng số tiền lãi có được để ươm tiếp cây và mua thêm bò, dê, gà, vịt về chăn thả. Gia đình ông cũng tích cực khai hoang mảnh vườn rộng gần 2ha để trồng các loại cây như: cam mật, chanh, bưởi da xanh, mít Thái Lan, hồ tiêu, nén, tỏi, ớt và các loại đậu đỗ... Mô hình VCR kết hợp này đã giúp gia đình ông Gòn có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Cùng với việc ươm cây và lập vườn, gia đình ông Gòn còn nhận thêm 12ha đất từ dự án 327 và phát quang thêm 9ha đồi để trồng cây lâm nghiệp thương phẩm. Cuối năm 2014, gia đình ông tiếp tục trồng cây keo lai giâm hom trên diện tích kể trên. Đến nay, sau gần 4 năm, nhờ được chăm sóc đúng quy trình nên tỷ lệ cây sống đạt hơn 95%. Dự kiến cuối năm 2018, đồi cây này sẽ được khai thác, doanh thu ước đạt gần 1 tỷ đồng.
Từ hộ nghèo khó, giờ đây gia đình ông Gòn đã xây được nhà cửa khang trang. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tích cực tham gia các cuộc vận xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, giúp bà con trong xóm phát triển kinh tế...
Tác giả: Nguyễn Trung Hiểu
Nguồn tin: Báo Kinh Tế Nông Thôn