Toát mồ hôi hột ngồi cạnh vợ “lái mới”
Khi ô tô trở thành phương tiện giao thông phổ biến trong xã hội hiện đại thì số lượng nữ giới đi học lái xe cũng tăng lên đáng kể. "Hậu phương" cổ vũ chị em đi học lái xe chính là đấng mày râu. Cũng từ đây, không ít câu chuyện cười ra nước mắt khi chị em cầm vô - lăng.
Chỉ vào vết xước, móp khá lớn ở đầu chiếc xe mới mua, anh Bình, chồng chị Thu (KĐT Mỹ Đình, Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm: “Chỉ vì một phút lơ đễnh, bà xã lái xe quệt roẹt một cái vào cột điện đầu phố. May đi với tốc độ chậm, không thì nát đầu xe mất”.
Tính sơ sơ cú va quệt này cũng khiến anh Bình “đi tong” 9 triệu đồng sửa xe. Dù bực mình lắm nhưng anh không dám lớn tiếng trách móc, vẫn phải nhẹ nhàng an ủi vì sợ nhỡ vợ “dỗi”, không thèm học lái xe cho thành thạo thì mất bao nhiêu công sức của vợ chồng anh suốt nửa năm nay.
Số lượng nữ giới đăng ký học lái xe tăng lên đáng kể trong một vài năm trở lại đây. Ảnh: Thu Hà |
Bà xã anh Bình có bằng lái xe hai tháng nay. Từ khi có bằng lái, cứ mỗi khi cuối tuần rảnh rỗi anh lại “bổ túc” tay lái cho vợ.
“Vợ biết lái xe lợi thế là đi đâu xa hoặc lỡ mình có rượu bia quá chén thì vẫn có vợ đưa về. Có vợ biết lái xe cũng...oai. Thế nhưng nói thật, ngồi bên vô lăng vợ lái là tim tôi đập loạn xạ. Cứ chỗ nào tôi bảo vượt cô ấy mới dám vượt, còn lại cứ đi chậm rì rì ngoài đường. Xe sau bấm còi xin đường loạn xạ. Trong xe bật điều hòa mát rượi mà vợ sợ đến nỗi mặt nhễ nhại mồ hôi”, anh Bình kể.
Chung tâm trạng đó, anh Hoàng Anh, Q. Hoàng Mai, Hà Nội bảo mỗi lần ngồi xe vợ lái, anh đều phải…nhắm mắt cho đỡ sợ.
“Lái mới, phản xạ chưa nhanh, dễ mất bình tĩnh nên vợ tôi rất dễ làm chết máy. Lúc đường rộng thẳng thớm cần đi nhanh thì vợ lại đi chậm. Lúc vào ngõ cần cua chậm để chỉnh lái thì lại cua roẹt một cái, may ngõ rộng không quệt vỡ đèn xe. Có lúc đang đi vợ phanh đánh hự một cái làm tôi cộc đầu, lao người về phía trước. Còn vợ thì hai tay ôm vô lăng, mặt căng như dây đàn. Tim tôi cứ giật thon thót nhưng không dám lớn tiếng chê vợ”, anh Hoàng Anh than thở.
Anh thấy kinh dị nhất việc dạy vợ cua xe vào gara. Vợ anh thỏ thẻ: “Sao anh cua ngoéo một cái thì xe lùi vào gara, còn em chỉnh mãi xe vẫn không như ý”. Anh hướng dẫn thêm nhưng vợ đánh lái “loạn cào cào” lên, nhưng được vài bữa chồng nản, vợ nản.
Vợ chồng cãi nhau chỉ vì “bốn bánh”
Do tay lái yếu, phản xạ chưa nhanh, khả năng tập trung khi lái và mức độ bình tĩnh khi xử lý tình huống còn chậm nên va quệt, đụng xe trở thành chuyện thường ngày với chị em. Những lúc đó, người đứng ra giải quyết không ai khác là các… ông chồng.
Sau khi hoàn thành kỳ thi sát hạch lái xe, chị em sẽ được cầm tấm bằng lái trong tay. Tuy nhiên, có lái thành thạo hay không lại là một câu chuyện dài. Ảnh: Thu Hà |
Anh Mạnh (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở từ ngày vợ anh biết lái xe, tưởng nhàn hơn hóa ra thêm bận. Vợ anh chỉ biết đi xe, còn anh là người giải quyết “núi” công việc còn lại.
Từ việc lớn như đem xe đi sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, đóng tiền kiểm định hàng năm cho đến việc nhỏ nhất là…đổ xăng cũng đều do một tay anh làm. Nhiều lúc thấy “bất công” quá, anh Mạnh mặc kệ cho vợ tự đổ xăng thì lập tức, cả tối đó vợ anh sẽ mặt nặng mày nhẹ, dỗi không thèm ăn cơm.
Bi đát hơn, anh Nguyễn Văn Bằng (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từng bị chị em ở cơ quan “cười không nhặt được mồm” vì nhiều lần bị vợ gọi đột xuất về…sửa xe. Chẳng là cơ quan anh Bằng rất gần nhà nên anh nhường vợ đi ô tô, còn anh đi xe máy.
Vợ anh vốn được cả nhà chiều từ bé, nên khá đỏng đảnh. Không cần biết chồng đang làm gì, ở đâu, cứ xe hỏng hay chỉ một lỗi nhỏ là xì xăm, dù đã mua gói bảo hiểm xe, hay chồng gợi ý gọi cứu hộ, nhờ anh taxi nào đó thay lốp sơ cua giúp nhưng bà xã vẫn nằng nặc gọi chồng đến “hiện trường”.
“Nhiều hôm hai vợ chồng cãi nhau qua điện thoại chỉ vì con bốn bánh. Đến nơi xử lý xong xuôi, vợ lái xe ô tô về trước, tôi đi xe máy về theo sau. Chỉ khổ tôi ngượng chín mặt, chị em đi qua nhìn cảnh đó chắc nghĩ tôi là đàn ông ăn hại, mặt mo để vợ làm tài xế”, anh Bằng giãi bày.
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: emdep.vn