Xã hội

Cưới chồng cho… con dâu

Con trai mất tích trong bão Chanchu, cha mẹ chồng đã quyết định vun đắp hạnh phúc mới cho con dâu

12 năm trước, cơn bão Chanchu dù không đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển, chỉ 20 người trong số đó tìm được thi thể. Tỉnh Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, trong đó xã Bình Minh, huyện Thăng Bình tới 86 người. Đa phần những người chết và mất tích đều là lao động chính trong gia đình, họ ra đi để lại hàng chục góa phụ, trong đó có nhiều người vợ còn rất trẻ.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nãi (SN 1947) - bà Lê Thị Bảy (SN 1950; thôn Hà Bình, xã Bình Minh) có 11 người thân mất tích trong cơn bão dữ đến nay không tìm thấy xác. Khi mất, con trai đầu của ông Nãi cưới vợ chưa lâu. Con dâu ông Nãi, chị Trương Thị T., vừa bước qua tuổi 22 và mới có con gái 7 tháng tuổi. Năm tháng trôi qua, đứa cháu nội đã lớn, vợ chồng ông Nãi nguôi ngoai dần nỗi đau mất con nhưng lại canh cánh một nỗi niềm, cảm thấy có lỗi trước cảnh đứa con dâu phải chịu góa bụa khi còn quá trẻ. Nhiều đêm trăn trở, vợ chồng ông Nãi khuyên con dâu "đi bước nữa" để tìm hạnh phúc mới nhưng chị T. một mực từ chối, hờn trách rằng ba mẹ chồng "không thương nữa nên muốn đuổi khéo".

Mãi đến năm ngoái, khi đi làm ở cảng cá, chị T. mới gặp và phải lòng anh Nguyễn Viết H. (SN 1981; quê huyện Núi Thành). Anh H. từng có vợ và 2 con nhưng đã ly hôn. Ngày chị T. dẫn anh H. về ra mắt, vợ chồng ông Nãi rất vui nhưng không quên "điều tra" kỹ tính tình, hoàn cảnh người sẽ trở thành chồng mới của con dâu mình sau này. Khi biết chính xác anh H. đã ly hôn và thật lòng yêu thương, thành tâm thành ý với chị T., vợ chồng ông Nãi vui vẻ gật đầu cho 2 người tổ chức lễ cưới.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nãi (bìa trái) tổ chức lễ cưới cho con dâu là chị Trương Thị T.

Đầu năm 2018, vợ chồng ông Nãi đứng ra làm chủ hôn cho lễ cưới của chị T. và chồng mới. Ba mẹ ruột của chị T. chỉ dự với tư cách là khách mời. "Tôi có đem chuyện cưới xin nói với ba mẹ ruột của T. nhưng họ nói rằng đã gả con rồi nên mọi việc gia đình tôi tự quyết. Vì vậy, vợ chồng tôi phải có trách nhiệm đứng ra tổ chức lễ cưới cho con dâu" - ông Nãi nói.

Tại buổi đưa con dâu về nhà chồng mới, ông Nãi nói lâu nay vợ chồng ông xem chị T. như con ruột, nay chị T. tìm được mái ấm mới, vợ chồng ông rất vui, mong gia đình chồng mới thương yêu, chăm sóc chị T. để chị không phải chịu thiệt thòi như thời gian qua. Lần vu quy này, chị T. khóc rất nhiều khiến họ hàng đôi bên và bà con dự tiệc cưới cũng không cầm được nước mắt. Đáp lại sự bao dung của vợ chồng ông Nãi, anh H. xin được gọi ông Nãi, bà Bảy là ba - mẹ và trở thành một người con rể thực thụ.

Hiện nay, chị T. đang mang thai đứa con đầu lòng với người chồng mới. Dù công việc bận rộn nhưng vợ chồng chị T. thường xuyên ghé thăm vợ chồng ông Nãi. Chị T. chia sẻ: "Khi về làm dâu, tôi được ba mẹ chồng thương yêu, xem như con gái và tôi cũng xem như ba mẹ ruột của mình. Từ khi chồng tôi mất tích, tôi nghĩ rằng mình sẽ ở vậy nuôi con và chăm sóc ba mẹ chồng. Nhưng duyên nợ của tôi vẫn chưa hết khi quen anh H. Tôi có duyên được làm dâu và sống chung với ba mẹ hơn 10 năm qua, tôi sẽ ghi nhớ công ơn của ba mẹ".

Cũng như vợ chồng ông Nãi, 5 năm sau ngày con trai mất tích trong bão Chanchu, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa - Nguyễn Thị Tới (cùng SN 1950; thôn Hà Bình) đã nhờ người mai mối và tổ chức lễ cưới cho con dâu Trần Thị V. (SN 1985) với người đàn ông chưa vợ ở xã bên. Giờ đây, chị V. đã có thêm 2 con với người chồng mới, dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng gia đình rất hạnh phúc. Vợ chồng chị V. gọi ông Nghĩa - bà Tới là ba mẹ, thường xuyên ghé thăm và luôn có mặt mỗi lần gia đình có việc quan trọng. "Con trai phận bạc mất sớm mình không thể để cho con dâu trẻ ở vậy suốt đời nên vợ chồng tôi đã động viên con đi bước nữa. Giờ đây, thấy con dâu hạnh phúc là vợ chồng tôi vui lắm rồi" - bà Tới tâm sự.

Tác giả: TRẦN THƯỜNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: cho… con dâu , Cưới chồng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP