Bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1949), hiện làm tạp vụ tại một trường trung học tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Gần 70 tuổi, gương mặt bà giờ đây gầy gò, đôi mắt trũng sâu.
Thế nhưng bà không cho phép mình nghỉ ngơi. Người phụ nữ này sợ rằng khi ở một mình, bà sẽ nhớ cô con gái Nguyễn Thị Phương Mai (SN 1972), người bị thất lạc hơn 40 năm qua.
Năm 1968, bà Đẹp làm tạp vụ cho căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, Đồng Nai. Nhờ khả năng nói tiếng Anh lưu loát, một thời gian sau, bà được chuyển lên làm tổng đài viên. |
Vào tháng 4/1975, bà gửi con đi theo chiến dịch Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam sang Mỹ và một số nước châu Âu) với mong muốn con sẽ có cuộc sống sung sướng.
Thế nhưng, không ai biết chuyến bay chở bé Mai ngày đó đến nước nào, những đứa trẻ trong chuyến bay đó đã được đi đến đâu. Vì ân hận và day dứt, để con rời xa mình khi mới 3 tuổi, bà Đẹp đi tìm con suốt gần nửa thập kỷ qua.
Bà Đẹp và con gái Nguyễn Thị Phương Mai. Ảnh: NVCC |
Để đi tìm con, bà đọc sách báo về chiến dịch Babylift, tìm những đứa trẻ thời đó nay đã trưởng thành trở về Việt Nam để hỏi thăm thông tin. Ngoài ra, bà còn viết thư gửi cho Tổng thống Mỹ nhờ giúp đỡ, thử ADN để nhờ tổ chức quốc tế tìm giúp, hỏi thăm tin thông tin từ bạn bè đang sinh sống tại Mỹ…
Mặc dù tất cả đều chưa có kết quả thế nhưng ước mong duy nhất của bà là cuối đời được gặp lại con một lần. Vì vậy khi còn sống ngày nào, bà không phép mình dừng việc tìm kiếm.
Cuối cùng bà cho rằng Joe (SN 1945), bố người Mỹ của bé Mai, sẽ cho bà nhiều hi vọng về việc tìm con. Vì vậy sau nhiều năm mất liên lạc, bà đã gửi thư cho ông.
Người phụ nữ này viết: "Em đã thực sự mất anh mãi mãi. Ở địa vị của em, em không có quyền gì níu kéo nhưng em thành khẩn mong anh hãy giúp em tìm lại con gái của chúng ta...".
Bà Đẹp đặt trọn niềm hi vọng khi gửi bức thư đi. Thế nhưng một lần nữa, bà lại vô cùng đau khổ khi bức thư được gửi trả lại vì địa chỉ gửi đi không tồn tại.
Sau này, bà biết được Joe xuất ngũ để làm công việc khác và mất vào năm 2011. Trên hành trình tìm lại con gái, bà Mai chỉ còn biết dựa vào chính mình và những người thân thiết.
Trong thời gian tìm con, một người bạn của bà gửi thông tin về một cô gái tên Mai đang tìm người mẹ Việt Nam của mình. Điều đó đã thắp lên cho bà những hi vọng mới...
Thế nhưng sau khi trao đổi, bà Đẹp mới biết đó không phải là bé Mai của mình. Lúc đó, người phụ nữ này tuyệt vọng hơn bao giờ hết.
Hơn 40 năm qua, bà chẳng lấy chồng, dành thời gian để tìm con gái. Điều bà hi vọng là Mai được một gia đình yêu thương, sống vui vẻ, khỏe mạnh.
Hình ảnh bé Mai mới 3 tuổi có khuôn mặt bầu bĩnh, miệng líu lo gọi mẹ luôn thường trực trong ký ức của bà. Kể từ khi gửi con đi, lúc nào bà cũng tự trách mình: “Giá như ngày đó tôi suy nghĩ chín chắn một chút...".
"Từ ngày xa con, tối nào tôi cũng khóc. Tôi ân hận và không biết con mình đã được đưa về đâu", bà Đẹp chia sẻ. |
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bà Đẹp cho biết ngày thường, bà đi làm từ sáng đến chiều. Cuối tuần, thỉnh thoảng bà gặp gỡ, nói chuyện và cùng hát với những người bạn thân thiết. Lúc nào, bài hát đầu tiên bà chọn đều là: "Khi người lớn cô đơn". Bà có thể hát và nghe lại nhiều lần ca khúc này bởi nó giống như tâm trạng và cuộc đời bà.
Người mẹ sinh năm 1949 này luôn khiến mình thật bận rộn. Bởi lẽ bà luôn sợ những lúc cô đơn khi ở một mình. Khi đó, nỗi nhớ đứa con đong đầy trong trí nhớ khiến bà trào nước mắt.
"Tôi nghĩ đến việc ở nhà một ngày, tôi thấy oải. Thành ra nhiều khi, tôi thích đi đây đi đó. Thỉnh thoảng, tôi lên một chuyến xe bus bất kỳ mà không cần biết điểm dừng của nó là ở đâu. Những chuyến đi vô định đó cũng giống như cuộc đời và hành trình tìm lại con của tôi", bà Đẹp cho biết.
Ở vào gần 70 tuổi, ước muốn duy nhất của bà Đẹp là được một lần nhìn thấy con. "Giờ tôi già rồi, tôi không biết mình sẽ sống được bao lâu. Tôi chỉ có một mong ước duy nhất là biết con mình ra sao. Hằng đêm, tôi thường có những giấc ngủ chập chờn vì những cảnh tượng ngày xưa ám ảnh trong giấc mơ", bà Đẹp cho biết.
Dù hi vọng tìm lại đứa con rất mỏng manh nhưng bà mong phép màu kỳ diệu sẽ đến. Khi chia sẻ với chúng tôi, bà cũng mong độc giả đọc được câu chuyện của mình, hi vọng mọi người sẽ là cầu nối giúp bà tìm lại con gái.
Tác giả: Hoàng Tuân
Nguồn tin: Báo VietNamNet