Người phụ nữ năm nay gần 40 tuổi nhưng chỉ cao vỏn vẹn 1m, suốt ngày "đèo bòng" một đứa bé trên tay quanh quẩn trong con xóm nhỏ. Người dân thôn Lê Xá (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ai cũng biết và thương xót cho hoàn cảnh của mẹ con chị.
Khi sinh ra đã không được như những đứa trẻ khác bởi di chứng của chất độc màu da cam, chị Phạm Thị Hiên (SN 1980) còn là nạn nhân của vấn nạn xâm hại tình dục. Khi đứa con gái bé bỏng của chị năm nay đã gần 1 tuổi, cũng chính là khoảng thời gian chị và gia đình đi từ nỗi lo này tới nỗi lo khác.
|
Người mẹ nhiễm chất độc da cam bị tai nạn trong ngày sinh con
Gian nhà mái ngói lụp xụp, ẩm thấp và thiếu ánh sáng lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng san sát là nơi trú nắng trú mưa hàng ngày của mẹ con chị Hiên. Chị là con gái thứ 4 của bà Trương Thị Đức (70 tuổi). Sinh chị Hiên ra, bà Đức đau đớn khi hay tin con mình không thoát khỏi di chứng chất độc màu da cam như đứa con trai cả. Ngay từ nhỏ, chị Hiên đã không được nhanh nhẹn như bạn bè đồng trang lứa. Đến nay cũng đã 37 tuổi, chị vẫn thấp bé nhẹ cân như học sinh trung học.
Bà Đức kể, ngày chị Hiên còn bé, mẹ đi đâu đều cõng con gái trên lưng theo đó. Từ bờ lầy tới ruộng lúa, chẳng giây phút nào bà dám để chị một mình. Ấy thế mà một ngày năm 2016, mọi sự chở che bao bọc của người mẹ bị cướp đi một cách đau đớn đến xé lòng: Chị Hiên bị một gã đàn ông làng khác dụ dỗ xâm hại tình dục. Chị không kể chuyện này với ai, cũng chẳng hề hay biết bản thân đang mang một hài nhi trong bụng. Mọi việc chỉ vỡ lẽ khi người nhà đưa chị vào viện khám bệnh hành tá tràng và bác sĩ phát hiện ra sự thật động trời này.
|
|
Chẳng có vật gì giá trị tại đây. |
"Bình thường tôi đã lo cho nó (chị Hiên - PV) lắm rồi. Hôm đó nó đi khám về tôi như chết điếng khi nghe đứa em gái nó kể lại: "Mẹ ơi, con bảo này, chị có thai gần 3 tháng rồi"", bà Đức đau đớn tâm sự.
Những ngày đầu biết tin con có thai, lòng người mẹ quặn thắt. Tuy biết kẻ hãm hại là người sống ngay làng bên thôi nhưng bà cũng không thể làm gì. Họ chối bỏ, không chịu thừa nhận và một mực phủi bay trách nhiệm. "Nhìn nó vừa dại dột vừa đáng thương mà chẳng thể làm gì hơn, tôi đau lắm. Thôi thì đã lỡ lầm rồi, cứ sinh con ra cho đứa bé có cơ hội được sống".
Do bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam nên chị Hiên không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. |
Thương con, thương đứa cháu đang lớn lên từng ngày, bà Đức và gia đình cũng cố gắng gói ghém chuẩn bị. Tới ngày sinh nở, trên đường đến bệnh viện Đa khoa thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), chị Hiên lại bất ngờ gặp trục trặc.
Vội vàng nhảy xuống nhặt chiếc dép đánh rơi, chị bị ngã xe đến gãy tay bên phải. Không thể sinh bình thường, các bác sĩ phải tiến hành mổ đẻ để kịp thời cứu em bé đồng thời băng bó cánh tay bị gãy cho chị. Cho đến tận bây giờ, chiếc đinh của ngày phẫu thuật vẫn còn nằm nguyên trên cánh tay phải của chị.
Cánh tay phải với chiếc đinh sau phẫu thuật bên trong da thịt. |
"Vì nhà nghèo quá mà nên bệnh viện thương tình hỗ trợ toàn bộ chi phí ca mổ, băng bó tay và tặng một số tã lót, quần áo, chăn màn cho mẹ con cháu. Người dân quanh đây họ thương lắm, người cho lạng thịt, người cho bữa rau. Cũng chả có gì nhiều đâu nhưng là tấm lòng của bà con chòm xóm", bà Đức tâm sự.
Ngày ngày chị Hiên bế con đi chơi. |
Đến trưa chiều chị lại về nhà ru con ngủ. |
Hạnh phúc của một người mẹ
Bản thân chị Hiên lớn lên không thể làm được bất cứ công việc gì để giúp bố mẹ. Vì thương con, vợ chồng bà Đức cũng cố gắng cho con gái đi học hết lớp 6 rồi dừng hẳn. Ở nhà, chị lại thi thoảng nổi khùng, chửi, quát mắng cha mẹ, anh chị em, hàng xóm.
Nhưng từ khi sinh con, được làm mẹ của bé gái bé bỏng đáng thương, chị Hiên như thay đổi hẳn. Chị hạnh phúc, lạc quan và dường như cũng minh mẫn hơn. Chuyện là trước đó khi biết chị sinh hạ con gái, có nhiều lời dò hỏi muốn mua lại đứa bé. Chị Hiên nhất quyết cho cũng không cho, bán lại càng không. "Nó cứ nhất định để nuôi. Đứa em trai thủ thỉ đòi cho cháu, nó điên lên quát mắng: "Mày đi mà cho, tao đẻ ra tao nuôi"".
Từ khi làm mẹ, chị Hiên thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn. |
Chị Hiên đi sinh đẻ, nửa tháng mới được cho về nhà. 3 - 4 tháng đầu tất cả mọi việc đều một tay bà Đức lo toan, bà vừa chăm cháu lại vừa trông nom con gái. Nhiệm vụ mỗi ngày của chị Hiên là bế và chơi đùa với con, cho con ăn rồi ru con ngủ. Mọi thứ đều quanh quẩn ở gian nhà phụ chật hẹp, thiếu ánh sáng.
Còn phần người mẹ già ở cái tuổi xưa nay hiếm, ngày ngày bà vẫn ra ruộng làm việc, thỉnh thoảng lại mang vài bó rau ra chợ bán cũng được 20-30 nghìn/ngày. Tiền này chả đủ nuôi cả gia đình nhưng dù khó khăn khổ sở ra sao, ông bà có gì ăn cũng cố cho con cho cháu được miếng đó. "Thôi bây giờ khổ biết làm thế nào, cũng chẳng thể than thở gì với ai. Bố mẹ đâu sống mãi được để nhờ, gần trăm tuổi già rồi. Nhưng để con và cháu được an yên, chúng tôi vẫn sẽ cố", bà Đức rơm rớm nước mắt.
Đứa trẻ được nuôi nấng bởi tình yêu của mẹ và ông bà ngoại. |
Dù bản thân không nhận thức được nhiều thứ xung quanh nhưng với đứa con đau đớn sinh ra, chị Hiên thương lắm. Bản năng của một người mẹ, chị dành cả một tình yêu bao la cho bé con mà chị đặt tên là Phạm Thị Huyền.
Nhìn con gái dại dột và đứa cháu nhỏ bé, vợ chồng bà Đức thương nhiều lắm. |
Có ai đó từng nói: "Làm mẹ, đời mình có ý nghĩa hơn", điều này hoàn toàn đúng với chị Hiên. Bây giờ bé Huyền là tất cả với chị và ngược lại chị là bờ vai vững chãi của đứa con gái bé bỏng. Nhịp sống ngoài kia vẫn cứ hối hả, bên trong gian nhà nhỏ ngày ngày người mẹ nhiễm chất độc màu da cam đều ẵm con tiếp tục hành trình của cuộc đời. Dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, nhưng chúng tôi tin không gì có thể đánh bại được hạnh phúc gia đình.
Trưa chiều ở thôn Lê Xá, bà Đức đang ăn tạm bữa cơm trưa để chuẩn bị ra chợ bán rau, chị Hiên ẵm bé Huyền tranh thủ cho con ngủ. Mọi thứ cứ bình yên như thế, tại một nơi xa chốn thành phố Hà Nội ồn ào, huyên náo...
Dù ngoài kia xô bồ, ở căn nhà này mọi thứ vẫn rất bình yên ngày qua ngày. |
Tác giả: MINH NHÂN
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ