Cụ thể, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Tôi giật mình vì xây dựng chính sách của Việt Nam hiện nay không khác gì so với 4 năm trước bởi vẫn là yêu cầu chính là "siết chặt" chứ không phải "quản lý" khoa học. Tư duy quản lý hiện nay đã khá lỗi thời.
Quản lý Uber, Grab và taxi đang gây chú ý dư luận, Dự thảo Nghị định vừa được đưa ra nhưng đã vấp phải sự phản đối của chuyên gia. |
Chính sách chưa ra đời đã thấy lạc hậu
Bà Lan cho rằng: Nội dung của Dự thảo Nghị định nói trên vẫn chủ yếu là nêu lên sự bất cập quản lý, trở ngại đối với quản lý nhà nước. DN cũng nhắc qua nhưng bỏ qua quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng dịch vụ giao thông. Tất cả bức xúc hoặc hạn chế của người tiêu dùng không được lắng nghe, đề cập đến nhiều để làm đối trọng.
"Chính sách mới chỉ nhìn phía từ cung, phía quản lý chứ không nhìn từ phía cầu hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính sách chưa hình dung được thay đổi đã và đang diễn ra và sẽ diễn ra trong thời gian tới đây trong việc xây dựng chính sách trung và dài hạn", bà Lan nói.
Về phía cầu, nữ chuyên gia kinh tế nhận định: Vấn đề đặt ra như đô thị hoá, mở rộng hàng hóa dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi mô hình, cạnh tranh công nghệ... đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh bằng ô tô không xem xét các yếu tố này.
Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Thế giới quan và các diễn biến thị trường thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải sẵn sàng với mô hình mới, người ta có quyền đòi hỏi khả năng tương tác, chọn lựa hoặc công nghệ để di chuyển".
Bà Lan cho rằng: Nếu cứ giữ tư duy hiện nay thì trong những năm tới có xe mới ra đời như xe không người lái, xe điện thì chúng ta sẽ phải làm sao? Với chính sách hiện nay, chúng ta cứ lẽo đẽo theo các nước khác. Nếu không theo thị trường, không thích ứng, chính sách của Việt Nam về giao thông nhanh chóng lạc hậu."
Một vấn đề được chuyên gia Lan kịch liệt phản đối trong Dự thảo Nghị định nói trên là yêu cầu lái xe phải mang theo danh sách hành khách khi vận chuyển trên đường. Trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo với Sở GTVT địa phương.
"Nếu như tại Hà Nội, TP.HCM hàng ngày hàng nghìn chuyến xe di chuyển qua, nếu phải tiếp nhận thông tin thì có xử lý và giải quyết được không, hay chỉ sinh ra giấy phép con làm phiền họ?", bà Lan nói.
Cái mới ra đời, bị nhốt ngay vào khung quản lý
Đặc biệt, theo bà Lan, trong Dự thảo Nghị định nói là "cho phép doanh nghiệp được ứng dụng điện tử. Điều này vô lý vì họ chọn hình thức nào là quyền của họ, không chờ Nhà nước cho phép.
Bà Lan cho rằng: Nhiều quy định bất cập, theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp (kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, các hộ kinh doanh vận tải) trong khi bảo hộ cho một số loại hình khác, như DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải.
Bà Lan cho đó là hành vi phản cạnh tranh vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ.
Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược lại chủ trương của Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Các nước phát triển lấy quyền lợi của người tiêu dùng là cơ sở để thiết kế chính sách và pháp luật.
Thời gian qua, chúng ta tranh cãi về quản lý kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết, nhưng không phải là đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt họ được.
"Ở Việt Nam, thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải phục vụ để phát triển cái đó lên. Tuy nhiên, chúng ta lại đưa cái mới nhốt vào khung quản lý. Chúng ta không có khái niệm phải lấy cái mới để xây dựng chính sách để xóa bỏ cái cũ, phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu", ông Hiếu buồn bã nói.
Ông này cho rằng: Thị trường và người kinh doanh khôn hơn quản lý Nhà nước bởi nếu họ thấy quá khó khăn, ngặt nghèo thì họ chuyển sang hình thức khác, lúc đó chúng ta lại chạy theo quản lý thì không bao giờ làm được.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí