Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, phí BOT không phải là một khoản phí mà là giá dịch vụ đường bộ. |
Trong kiến nghị gửi lên Quốc hội, cử tri nhiều nơi cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam người dân vẫn phải chịu rất nhiều các khoản phí, thậm chí có tình trạng phí chồng lên phí (ví dụ vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ, vừa phải đóng phí BOT…) trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Phản hồi lại nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, phí là các khoản thu do nhà nước đặt ra nhằm bù đắp một phần chi phí để cung cấp dịch vụ công cung cấp cho người dân. Như dịch vụ viễn thông, đường bộ, kiểm dịch, sát hạch lái xe, thẩm định thuốc... Nhiều loại phí hiện nay vẫn đang được nhà nước bù đắp một phần chi phí, ngay cả việc chuyển sang hình thức giá dịch vụ có sự kiểm soát của nhà nước thì nhà nước vẫn phải hỗ trợ như thủy lợi phí hay phí dịch vụ thủy lợi.
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, do đây là nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ công nên chỉ khi người dân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dịch vụ mới phải chi trả, chỉ trả từng lần sử dụng, không bắt buộc đối với những người không dùng dịch vụ.
"Vì vậy, khi một người dân, tổ chức sử dụng từ 2 loại dịch vụ công khác nhau thì sẽ phải nộp các loại phí khác nhau dẫn đến hiểu nhầm thành phí chồng phí", báo cáo cho hay.
Bên cạnh đó, theo cơ quan này, hiện còn có sự nhầm lẫn giữa phí do nhà nước quản lý và các loại phí do tổ chức cá nhân ngoài nhà nước quản lý (còn gọi là giá dịch vụ). Hiện nay, có rất nhiều loại phí hay giá dịch vụ nhà nước không còn quản lý mà đã chuyển sang thành giá dịch vụ và còn một số loại dịch vụ được cung cấp bởi cả nhà nước và tư nhân.
Theo văn bản phản hồi, đối với quy định về phí bảo trì đường bộ, hiện nay số thu từ khoản này vẫn chưa đảm bảo chi cho bảo trì công trình đường bộ, chi cho các nhiệm vụ quản lý công trình đường bộ, do đó, không có nguồn lực để nâng cấp, cải tạo hoặc mở mới các công trình đường bộ.
Trong khi nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng lớn, NSNN không đảm bảo để đáp ứng đủ nhu cầu này thì việc nhà nước thực hiện các chính sách huy động vốn từ các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông là đúng đắn và nhà đầu tư được thu giá dịch vụ để hoàn trả chi phí đầu tư dự án BOT.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, phí BOT không phải là một khoản phí mà là giá dịch vụ đường bộ do các doanh nghiệp cung cấp cho người dân có sự quản lý của nhà nước, không phải là một khoản thu của nhà nước.
Tuy nhiên, để việc đầu tư các dự án BOT đảm bảo hoàn thành lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư phải vì người dân, tránh gây khó khăn cho đời sống người dân. Trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ tăng cường giám sát các hoạt động đầu tư BOT, bảo đảm hạn chế tối đa việc triển khai các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có, chỉ thực hiện dự án BOT trên các tuyến đường mới để người dân có quyền lựa chọn, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, rà soát kỹ tổng mức đầu tư để xác định mức phí và thời gian thu phí hợp lý.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí