Trong nước

“Cứ nói chạy chức, chạy quyền nhưng xử lý được mấy ai đâu”

"Chạy chức, chạy quyền mình cứ nói suốt nhưng kỷ luật còn ít huống gì xử lý hình sự. Luật phải tăng cường cơ chế phát hiện và xử lý tham nhũng”.

Trung tướng Trần Văn Độ - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Toà quân sự nhấn mạnh điều này khi đề cập Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Theo ông Trần Văn Độ, cần tăng cơ chế “phòng” và phát hiện, xử lý nghiêm để tạo niềm tin.

Có gì đằng sau mới bổ nhiệm kiểu đấy!

PV: Có ý kiến bức xúc rằng tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang là tâm điểm. Ông có bình luận gì và đây có phải là vấn đề cần lưu ý khi sửa luật?

Trung tướng Trần Văn Độ: Trong lĩnh vực nào cũng thế thôi và đặc biệt lĩnh vực nhạy cảm càng phải tập trung để phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý thật tốt. Điều quan trọng là phải có cơ chế để không xảy ra tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy đủ thứ, tức không để người ta “chạy”. Còn khi có thì phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Trung tuong Tran Van Do ZXQF
Trung tướng Trần Văn Độ

Xưa nay về chạy chức, chạy quyền mình xử lý được mấy ai đâu! Nói suốt nhưng kỷ luật còn ít chứ chưa nói về xử lý hình sự. Cần quyết tâm làm rõ, ít nhất là một số vụ việc gần đây dư luận bức xúc, nếu có trách nhiệm hình sự thì phải quyết liệt xử lý. Có như vậy thì mới làm gương, tạo được niềm tin.

Người nào cũng nói “chạy” nhưng mà rồi cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được vụ việc để xử lý thì khó nói. Cho nên người ta nói là từ miệng đến cánh tay mà cánh tay hơi xa là thế!

PV: Biểu hiện như bổ nhiệm người thân, cả nhà làm quan, bổ nhiệm hàng loạt trước khi về hưu…, thưa ông?

Trung tướng Trần Văn Độ: Nhiều vụ việc kiểu như thế. Như bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ, ai cũng nói đúng quy trình nhưng đúng quy trình kiểu gì? Đằng sau đó chắc phải có cái gì đó mới bổ nhiệm kiểu đấy, phải có lợi ích.

Không để tình trạng mãi như vậy được. Không có chuyện ông sắp nghỉ hưu bổ nhiệm cán bộ thì người mới thay thế phải chịu vì người ta có cách sử dụng cán bộ khác chứ. Người cũ bổ nhiệm mà người mới phải dùng thì mệt lắm!

PV: Lâu nay chúng ta “dọa” nhiều mà không phát hiện, xử lý được bao nhiêu?

Trung tướng Trần Văn Độ: Dọa thì người ta phải sợ chứ có dọa được ai đâu? Dọa chung chung người ta gọi là hô hào. Cần phải có địa chỉ, con người cụ thể.

PV: Dự thảo Luật PCTN sửa đổi cũng nhấn mạnh hơn đến trách nhiệm người đứng đầu. Theo ông những quy định đó liệu đã đủ mạnh?

Trung tướng Trần Văn Độ: Thực ra tôi quan niệm cái đó cũng chỉ xử lý đằng đuôi, còn cái phòng ngừa để tham nhũng không xảy ra thì chưa được bao nhiêu. Quy định ở đây thì tham nhũng xảy ra rồi người ta mới đuổi theo, mà đuổi bao giờ xong được? Khi phát sinh lại không ngăn chặn để khi xảy ra đuổi theo thì khó lắm. Quy định trách nhiệm người đứng đầu là cần nhưng không đủ.

Đưa tiền vào “sân sau” thì khó biết lắm!

PV: Dự thảo Luật sửa đổi lần này dành chương riêng quy định rõ hơn về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Tuy nhiên việc công khai nhưng chưa minh bạch thì hiệu quả phòng, chống chưa chắc đã cao, thưa ông?

Trung tướng Trần Văn Độ: Người ta giờ tiêu cả núi tiền mặt thì công khai cũng không kiểm soát được thu nhập. Tôi thu một tháng bao tiền thì có ai biết đâu.

Cơ chế sử dụng tiền mặt ít qua tài khoản thì mua bán bất động sản, xe hơi bằng tiền mặt cũng dễ dàng. Cho, tặng mọi thứ cũng có thể bằng tiền mặt thì kê khai cho vui.

Hơn nữa, tôi có tiền tấn cũng có thể giao cho người khác thoải mái; góp vốn chỗ này chỗ kia kinh doanh có ai kiểm soát hay biết mà thắc mắc lượng tiền lấy từ đâu.

PV: Phải chăng khó kiểm soát tài sản nên có yêu cầu tăng trách nhiệm giải trình cũng không có nhiều tác dụng?

Trung tướng Trần Văn Độ: Tính giải trình hiện nay của ta còn thiếu nhưng cái đó không ăn thua, mà cần tăng cái nào để người ta không thể tham nhũng được. Bây giờ tôi có thể góp vốn 100 tỷ đồng ở chỗ này chỗ kia bằng tiền mặt vào sân sau người thân thích, bạn bè, người cùng làm ăn thì khó biết!

PV: Dự thảo luật quy định trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và đề xuất của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi nghĩ khó nhất là phát hiện tham nhũng, còn phát hiện ra rồi thì cơ quan khác đều có thể làm được. Phát hiện, dám đưa vụ việc ra trước ánh sáng thì phải có cơ quan đặc biệt với người đứng đầu trong sạch, có “bàn tay sắt”, có thẩm quyền Nhà nước rõ ràng.

Tôi vẫn muốn thành lập Ủy ban chống tham nhũng với người đứng đầu có chức vị cao trong Đảng, Nhà nước và có quyền làm, nhất là vụ tham nhũng lớn cần thiết có thể trực tiếp áp dụng biện pháp như biện pháp điều tra đặc biệt để đưa vụ việc ra ánh sáng… Còn Ủy ban như dự thảo thì có thể làm nhưng khó lắm, vì họ sử dụng biện pháp gì để điều tra thì chẳng ai nói tới.

PV: Vậy theo ông vấn đề gì cần tập trung sửa đổi và nhấn mạnh để tránh tình trạng có luật nhưng như “hổ không răng”?

Trung tướng Trần Văn Độ: Luật phải tăng cường cơ chế phát hiện và xử lý tham nhũng. Lâu nay chủ yếu do dân, báo chí phát hiện còn có vụ mười mấy cuộc thanh tra mà có phát hiện được đâu. Tại sao lại như vậy? Chế tài vẫn đủ nhưng cơ chế chưa hiệu quả.

Còn để tăng tính “phòng” tham nhũng thì trước hết phải quan tâm chính sách kinh tế - xã hội, chính sách phân chia lợi ích xã hội. Cùng với đó là cơ chế hạn chế tiền mặt, tăng qua tài khoản ngân hàng để quản lý tài sản, đặc biệt là thu nhập lớn.

Công tác cán bộ cũng là điều cần quan tâm. Việc làm sao để không chạy chức, chạy quyền, không lợi ích nhóm thì nói nhiều rồi, nhưng rồi cuối cùng vẫn có bao nhiêu trường hợp chen ngang, chen dọc vào được bằng một quy trình lúc nào cũng đúng mà chẳng hợp lý.

Xử lý khi phát hiện hành vi tham nhũng để răn đe cũng là một biện pháp nhưng đó nên là biện pháp cuối cùng.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Tác giả bài viết: Ngọc Thành(thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP