Du lịch

Cứ đà sáng tạo này, đất nước toàn lễ hội

Tại Hội nghị sơ kết lễ hội 2017, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nghệ An cho rằng phát ấn là sự sáng tạo còn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn khẳng định: lễ hội phải phát huy truyền thống nhưng nếu “cứ sáng tạo kiểu này thì đất nước toàn lễ hội”.

4b JIDH
Với những lễ hội có yếu tố tranh cướp, Bộ trưởng VHTTDL đề nghị nghiên cứu phương án cho mùa sau để tránh đẩy người tham gia vào tình huống nguy hiểm. Ảnh: Toan Toan.



Tồn tại mang tính truyền thống

Chủ trì hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 diễn ra ngày 24/2, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu địa phương “tốt nói tốt, tồn tại nêu rõ tồn tại để khắc phục, không thể nói chung chung”.

Lãnh đạo Bộ, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ và các sở đều cho rằng công tác quản lý, tổ chức năm nay có tiến bộ. Tuy nhiên, các nhà quản lý phải thừa nhận nhiều tồn tại, thậm chí tồn tại muôn thuở và đưa ra mổ xẻ mong chấn chỉnh trong mùa tới.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ còn bày tỏ chút băn khoăn về Hội Phết Hiền Quan. “Tỉnh chỉ đạo kiên quyết và có biện pháp phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở hướng tư vấn trao đổi với cộng đồng tìm ra giải pháp tốt nhất. Phương án lễ hội năm 2017 do cộng đồng đưa ra sau khi được nhà khoa học tư vấn, 100 người chia làm hai đội tranh phết.

Tuy nhiên, ý thức người dân tham gia chưa cao nên chen lấn xô đẩy trong màn tranh phết cuối”, ông Thủy nói. Khi trả lời báo chí bên lề hội nghị, ông Thủy khẳng định trách nhiệm lớn nhất thuộc về người dân tham gia. Theo ông, BTC có quy định rõ ràng, có diễn trường cho khu vực cướp phết và phân đội, những người không thuộc thành phần tham gia cướp cũng xông vào gây hỗn loạn.

Hà Nội có tới 1.200 lễ hội trong đó nhiều lễ hội “nóng” như chùa Hương, hội Gióng đền Sóc. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói năm nào lễ hội cũng diễn ra, năm nào cũng chấn chỉnh nhưng tồn tại hoàn tồn tại. Ông nêu thực trạng có một số lãnh đạo tranh thủ đi lễ “hay khen cho nên gây khó cho các anh em thanh tra sau này”.

Trao đổi bên lề, ông Đông giải thích thêm hiện tượng khi có thanh tra các đơn vị làm tốt, thanh tra đi rồi đâu lại vào đó. “Tôi đề nghị các đoàn thanh kiểm tra phù hợp hơn, đến bất ngờ và thiết thực hơn. Không nên lập quá nhiều đoàn thanh kiểm tra tránh việc các BQL vất vả đón tiếp. Do biết trước nên họ dễ chống chế, người dân không được hưởng lợi”, ông Động nói.

Nạn chọi trâu, khai ấn

Hai năm trở lại đây, Bộ VHTTDL khá tích cực chỉ đạo ngăn chặn sự bùng phát phát ấn, chọi trâu. Bên cạnh lễ hội lâu đời được công nhận như Đồ Sơn, Hải Lựu nhiều nơi đua nhau mở hội chọi trâu trước hết vì mục đích thương mại. Lễ hội chọi trâu ở Yên Sơn (Tuyên Quang) vừa rồi tổ chức không phép, Thanh tra Sở VHTT Tuyên Quang phạt 7,5 triệu đồng - mức phạt như muối bỏ bể.

Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VHTT Tuyên Quang đề xuất: “Chọi trâu nên cấm toàn quốc, không thể để chỗ này chọi chỗ kia cấm. Có nơi bảo không chọi mà chỉ có hai con trâu đấu đầu vào nhau, có chỗ coi là di sản, nơi thì bảo bạo lực. Chúng tôi giải thích với bà con họ không chịu”. Thậm chí ông đề xuất Bộ VHTT nghiên cứu nếu cho phép chọi trâu thì nên tính phương án bảo hiểm với trâu, đồng thời tính đến khía cạnh thị trường coi thịt trâu như hàng hóa.

Sau nỗ lực tổ chức lại lễ hội phát ấn đền Trần, ngành văn hóa đang đối mặt nạn khai và phát ấn tràn lan. Ông Hồ Chí Đức, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh nhắc đến lễ khai ấn của Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh vừa rồi “tổ chức không phép và ấn bị lỗi”. Ông nói thêm lễ khai bút của hội này, nhưng Hội VHNT Quảng Ninh được phép tổ chức nhưng tự ý đưa ra khai ấn và thêm chữ “lễ hội”.

Nếu sang năm tiếp tục tổ chức, lãnh đạo tỉnh đề nghị Hội phải có kịch bản và xin cấp phép sau khi có ý kiến nhà khoa học. Năm nay, đền Trần Thái Bình không khai ấn, nhưng Nghệ An có lễ hội phát thẻ ấn ở đền Quang Trung - khánh thành năm 2008. Đại diện Nghệ An nói từ 2014, Nghệ An kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa kèm lễ phát ấn của vua Quang Trung do BQL đền tổ chức.

Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng phát bệnh dịch khai ấn, phát ấn trong khi đó một cán bộ quản lý nhà nước lại hồn nhiên ủng hộ và tiếp tay cho căn bệnh này. Dù với ý đồ ra “giải pháp tín ngưỡng theo nhu cầu, tạo ra sự phong phú cho hoạt động lễ hội và ấn phát miễn phí”, việc làm này quá nguy hiểm.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phản ứng ngay: “Quảng Ninh phải kiểm điểm rút kinh nghiệm khi đánh tráo quan niệm để biến sự kiện đó thành lễ hội. Những nơi khác như Nghệ An cũng phát ấn trong khi xưa không hề có. Nếu thế này thì phát ấn tràn lan. Chúng ta duy trì văn hóa truyền thống phù hợp đạo lý dân tộc, cứ đẻ ra sáng tạo thế này thì đất nước này toàn lễ hội”.

Không thể mạo hiểm

GS.TS. Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa ghi nhận sự chuyển biến trong tổ chức lễ hội. Dẫu vậy, ông cảnh báo năm nay có thể không có phản cảm nhưng năm sau lại nảy ra phản cảm khác “không thể yên tâm quản lý tốt rồi”.

Chẳng hạn ông đề xuất phải nghiên cứu vì sao phản cảm, nhiều khi là “tâm lý của kẻ yếu” muốn làm ngược lại với dư luận, cơ quan quản lý. Từ kinh nghiệm với cầu trâu Phú Thọ và hội phết Hiền Quan, ông cho rằng, các nhà quản lý, chuyên gia làm việc với cộng đồng để bà con hiểu và thấy thoải mái.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói không thiếu văn bản chỉ đạo nào trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các địa phương xem xét kỹ tồn tại và rút bài học. “Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm chung trong quản lý nhưng còn nhiều ngành liên quan và phải phối hợp.

Chúng ta cũng cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp. Liên quan đến phân cấp lễ hội, đề nghị các địa phương cũng phải nói rõ trách nhiệm ngành văn hóa đến đâu chứ không thể ôm tất cả trách nhiệm”, ông nói.

Đánh giá số lễ hội phản cảm có giảm so với trước đó, tuy nhiên Bộ trưởng Thiện thừa nhận sự mạo hiểm ở các lễ hội như phết Hiền Quan. “Sau này cần rút kinh nghiệm, không thể để đám đông không kiểm soát được. Với tâm lý đám đông không xảy ra chuyện gì đã là may mắn lắm rồi, nhưng tôi nói thật không nên mạo hiểm như thế”, ông nói.

Khuyến khích kinh tế, không phải thương mại hóa lễ hội

TS. Lê Hồng Lý nhắc đến sự thật chúng ta “nằm trên đống tiền mà không biết cách”, đồng thời đề xuất địa phương khai thác giá trị văn hóa trước mục tiêu du lịch là kinh tế mũi nhọn. Bộ trưởng VHTTDL đồng tình với quan điểm này, bởi người dân đi lễ hội địa phương xem như khách du lịch và nên khuyến khích.

“Chúng ta phải phân biệt giữa khía cạnh kinh tế của lễ hội với tính thương mại hóa lễ hội. Tổ chức lễ hội không chính đáng, không đúng quy định pháp luật nhằm lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính mới là thương mại hóa. Hiện nay, các lễ hội đều tổ chức dưới hình thức xã hội hóa, họ phải lấy thu bù chi nhưng đương nhiên không thể khuyến khích thu bất chính”, ông nói.

Tác giả bài viết: Toan Toan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP