Kinh tế

Công ty Cường “đôla” mất hàng trăm tỷ đồng sau bê bối mua đất công “giá bèo”

Lệnh bán sàn cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn tiếp tục “chất đống” khiến nhiều nhà đầu tư có ý định thoát hàng cũng không thể thực hiện do không có người mua. Diễn biến tiêu cực tại cổ phiếu QCG trong bối cảnh công ty này đang vướng vào bê bối mua đất công “giá bèo” và bị Thành uỷ TPHCM “phanh” lại.

Một thông tin đang làm “nóng” dư luận xuất hiện cuối ngày 18/4 đó là thông báo của Văn phòng Thành uỷ TPHCM về việc chuyển nhượng khu đất hơn 30 ha của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tận Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG).

Trong thông báo này, Thành uỷ TPHCM cho rằng, với vị trí đẹp gần sông Sài Gòn, khu đất này nếu bán theo giá thị trường có thể thu về hơn 2.000 tỷ đồng nhưng với mức giá bán 1,29 triệu đồng/m2, công ty Tân Thuận, một đơn vị thuộc Văn phòng Thành uỷ, chỉ mang về cho ngân sách được 400 tỷ đồng (tức chỉ bằng 1/5 giá thị trường).

“Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thống nhất yêu cầu hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định; đề nghị Thường vụ Thành ủy chỉ đạo giải quyết việc chuyển nhượng đúng quy định pháp luật”, thông báo này nêu rõ.

Thông tin này như một đòn “trời giáng” đối với cổ đông của Quốc Cường Gia Lai. Bởi khu đất này để xây dựng dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, một dự án của Quốc Cường Gia Lai.

Số phận dự án Phước Kiển của QCG sau 10 năm lận đận chưa biết sẽ về đâu

Sáng nay, cổ phiếu QCG bị bán tháo rất mạnh. Ngay từ đầu phiên, đồ thị giá QCG đã lao thẳng đứng xuống 11.650 đồng/cổ phiếu, giảm kịch sàn. Trong khi trắng bên mua thì chỉ chưa đầy 30 phút đã có tới 2,5 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn.

Lệnh bán sàn vẫn tiếp tục “chất đống” khiến nhiều nhà đầu tư có ý định thoát hàng cũng không thể thực hiện do không có người mua.

Như vậy đây là phiên sàn thứ hai liên tiếp của QCG. Vốn hoá thị trường Quốc Cường Gia Lai chính vì thế giảm 482 tỷ đồng xuống còn 3.205 tỷ đồng.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai đã nói rằng, Phước Kiển có thể coi là dự án trọng tâm của công ty này về giá trị và về quy mô.

Dự án này sử dụng quỹ đất rộng gần 92 ha đã được khởi động gần 10 năm nhưng chưa thể hoàn tất khâu giải toả mặt bằng. Quốc Cường Gia Lai tưởng đã chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư Sunny Island thông qua một thoả thuận ghi nhớ ký kết vào tháng 10/2016, nhưng sau đó, thoả thuận này đã bị huỷ bỏ.

Ông Quốc Cường từng trả lời lấp lửng rằng: “Với dự án này, vừa rồi, mình có nhận cọc của một đối tác là 50 triệu USD, ký kết với họ. Hiện quá trình đàm phán vẫn tiếp diễn nên để nói bán rồi thì cũng không đúng mà nói chưa bán thì cũng không phải. Vì tính chất bảo mật phía đối tác yêu cầu nên mình cũng không thể cung cấp thêm thông tin, chỉ có thể khẳng định là không làm nhà đầu tư thất vọng khi dự án được chốt”.

Đến tháng 3 vừa qua, một động thái từ phía chính quyền đã gieo hy vọng cho cổ đông của tập đoàn này. Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu huyện Nhà Bè kiểm tra thực địa, tổ chức đo đạc, rà soát pháp lý từng trường hợp để giải quyết vướng mắc của dự án này. Thế nhưng, niềm vui chưa được tày gang, việc Quốc Cường Gia Lai nhận mua đất công với “giá bèo” tưởng trót lọt song không ngờ đã bị “phanh” lại.

Đáng nói là trong khi đối tác yêu cầu không giải tỏa xong dự án Phước Kiển, Sunny sẽ lấy hết khu đất này hoặc Quốc Cường sẽ phải đền cho đối tác 100 triệu USD, thì trước đó Quốc Cường đã nhận ứng trước 2.882,8 tỷ đồng và dùng số tiền này trả nợ ngân hàng.

Bây giờ, cổ đông cũng mới “vỡ” ra rằng, thực tế, từ cuối tháng 12/2017, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo dừng chuyển nhượng khu đất nêu trên, yêu cầu đàm phán lại và báo cáo chi tiết.

Với tình hình tài chính hiện tại, không rõ Quốc Cường Gia Lai sẽ xử lý ra sao và dự án Phước Kiển đầy tâm huyết của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan sẽ đi đâu về đâu.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP