Pháp luật

Công bố lời khai của nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình

Do ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - có đơn xin xét xử vắng mặt, sáng 6/3, HĐXX đã công bố lời khai của ông này trong vụ vỡ đường ống cấp nước sạch Sông Đà.

Sáng 6/3, phiên tòa xét xử vụ vỡ đường ống cấp nước sạch Sông Đà tiếp tục với phần thẩm vấn. HĐXX đã công bố lời khai của nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình.

Trước đó, sáng 5/3, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập 2 người có liên quan là ông Phí Thái Bình (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex) và ông Vũ Đình Chầm (nguyên thành viên HĐQT Vinaconex).

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.

HĐXX cho biết, Tòa đã triệu tập ông Bình và ông Chầm nhưng nhận được đơn xin vắng mặt kèm hồ sơ bệnh án của 2 người này. Ông Chầm nộp đơn xin xét xử vắng mặt kèm hồ sơ bệnh án về các bệnh viêm tụy, gan, mắt, nên không đủ sức khỏe tham dự phiên tòa.

Ông Phí Thái Bình có đơn xin vắng mặt nộp kèm bệnh án khám bệnh tại Bệnh viện 103. Theo đó, ông được chẩn đoán hội chứng não do tăng huyết áp, phải bất động trong thời gian dùng thuốc.

Một luật sư đề nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng, những người vắng mặt có vai trò quyết định việc thực hiện dự án này hay không. Hơn nữa, các bị cáo không thể đối chất được, dẫn đến việc không đủ tính minh bạch.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại tòa khẳng định, trong quá trình điều tra, ông Bình và ông Chầm đã có lời khai cụ thể và hiện 2 ông bị bệnh nặng, có sự xác nhận của bệnh viện nên sự vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án một cách khách quan.

Theo lời khai của ông Phí Thái Bình được HĐXX công bố sáng 6/3, dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Dự án tiên phong trong phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án.

Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Cũng theo lời khai của ông Bình, về hiệu quả, giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Bình, vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex. Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình giải trình, nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án.

Vì sao ông Bình “thoát tội”?

Theo cáo trạng số 03 ngày 15/12/2017 của Viện KSND Tối cao, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn năm 2003, 2004.

Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm tại tòa.

Các thành viên này gồm: ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - nguyên Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc và các Ủy viên HĐQT; ông Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành; 2 người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất là ông Lại Văn Bích - Giám đốc Ban quản lý dự án và Nguyễn Đức Lưu - Trưởng phòng Đầu tư, Tổng Công ty Vinaconex.

Sau khi nhận được đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can nêu trên, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Cơ quan điều tra - Bộ Công an thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố bị can.

Căn cứ kết quả điều tra và kết luận giám định tư pháp về hoạt động đầu tư xây dựng dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, kết luận giám định bổ sung của Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho thấy: Chưa đủ căn cứ để phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với 7 người trên.

Tài liệu điều tra đến nay chưa có căn cứ để xác định hành vi đề xuất, quyết định thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang composite cốt sợi thủy tinh và giao cho Công ty Cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của ông Phí Thái Bình và các thành viên HĐQT Vinaconex là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của dự án.

“Hành vi của những người này không đồng phạm với các bị can đã khởi tố nên không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự.” - cáo trạng nêu.

Trên cơ sở đó, ngày 14/12/2017, Viện KSND Tối cao quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với 7 người nêu trên, trong đó có ông Phí Thái Bình.

Tác giả: Tiến Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP