Theo quyết định được thống nhất giữa lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam (VFF) và giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP sẽ thực hiện việc kiểm soát vé ra vào sân thay cho công ty vệ sĩ được VFF thuê đảm nhận công việc này ở những trận đấu trước. Lực lượng công an sẽ hướng dẫn khán giả đến khu vực, vị trí chỗ ngồi, các vật dụng không được phép mang vào sân… với tinh thần "khán giả bỏ tiền ra mua vé thì phải được phục vụ với sự trọng thị, lịch thiệp, chu đáo, thuận tiện".
Cắm chốt các điểm nóng
Công an TP Hà Nội sẽ chỉ đạo công an các quận - huyện trên địa bàn phối hợp với các phòng nghiệp vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Các đơn vị ứng trực 100% quân số. Phòng CSGT và Trung đoàn Cảnh sát cơ động cùng công an các quận - huyện, phường - xã là lực lượng nòng cốt bảo đảm an toàn giao thông. Khu vực trọng điểm tập trung tại các tuyến đường hướng về sân Mỹ Đình, các điểm có máy chiếu, các khu trung tâm (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm…).
Lực lượng cán bộ, chiến sĩ CSGT được huy động tăng cường ứng trực theo phương án dự kiến khoảng 1.000 lượt. Ngoài ra, Công an TP Hà Nội sẽ huy động lực lượng tăng cường cắm chốt tại các địa điểm phức tạp; phối hợp chặt chẽ, tổ chức phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; bảo đảm cho người hâm mộ cổ vũ bóng đá trong trật tự, an toàn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng đã có Công điện gửi Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ tịch UBND các tỉnh - thành phố trên cả nước, yêu cầu tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, tham gia cổ vũ, ủng hộ đội tuyển bóng đá quốc gia với khí thế vui tươi, phấn khởi và có văn hóa.
Theo Phó Thủ tướng, cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông. Trong đó, lưu ý các hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép, các hành vi cổ vũ quá khích… Các lực lượng chức năng cần có phương án sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn trước, trong và sau khi diễn ra trận đấu.
Người hâm mộ ở Hà Nội xếp hàng lấy vé sáng 13-12 |
Vé VIP "chợ đen" lên đến 18 triệu đồng/cặp
Trong 2 ngày 13 và 14-12, VFF chính thức trả 10.300 vé online đã được đặt mua trước đó. Ngay từ mờ sáng 13-12, hàng trăm người hâm mộ đã có mặt xếp hàng trước trụ sở VFF để chờ nhận vé. Bên cạnh đó, hàng ngàn vé cũng đã được chuyển qua đường bưu điện cho người đặt mua thành công.
Ngay sau khi VFF tiến hành trả vé, các cò vé, các trang "chợ đen" lại hoạt động nhộn nhịp. Cò vé sẵn sàng mua lại vé từ người hâm mộ với giá cao hơn hàng chục lần để bán lại với giá "trên trời". Cụ thể, loại vé khán đài C-D có mệnh giá 400.000 đồng/cặp được rao bán tới 6 triệu đồng. Vé mệnh giá 700.000 đồng/cặp được rao bán 7 - 8 triệu đồng. Hai loại vé khán đài A-B có mệnh giá cao nhất là 1 triệu đồng/cặp và 1,2 triệu đồng/cặp được hét với giá "cắt cổ" từ 12 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, cò vé cũng rao bán nhiều loại vé ở vị trí VIP trên khán đài A với giá 18 triệu đồng/cặp.
Nhiều người hâm mộ mua được vé online cho biết họ sẽ không bán lại dù giá cao để vào sân "tiếp lửa" cho đội tuyển Việt Nam. "Tôi mua được cặp vé 350.000 đồng/vé. Khi tôi nhận vé ra thì có nhiều cò vé đã hỏi mua với giá 8 - 9 triệu đồng. Dù họ có trả cao hơn nữa, tôi cũng không bán vì đây là dịp đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Tôi cũng như nhiều người hâm mộ khác sẽ vào sân và cổ vũ cho đội tuyển" - một người hâm mộ may mắn mua được vé khẳng định.
Tác giả: Huy Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động