Ở chiều ngược lại, một số ông bố bà mẹ cũng khăn gói lên thành phố đón Tết, khi con cái đã thành gia lập thất, có công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng.
Những tưởng gia đình được sum vầy là cái kết năm viên mãn thì oái oăm thay, rắc rối chợt xuất hiện. Và thứ mở đầu cho mọi rắc rối lại là… hũ dưa hành.
Đúng, là hũ dưa hành. Hũ dưa mà cứ đến Tết lại ăn "ngập mặt" mà chẳng bao giờ ngán. Hũ dưa mà nếu thiếu nó sẽ chẳng biết cúng ông bà bằng thứ gì cho truyền thống. Hũ dưa ấy đã theo đứa con trai suốt từ thời ấu thơ khốn khó đến khi trưởng thành, có công danh sự nghiệp ở miền xa.
Mùa Tết năm nay, cha mẹ già vào nam ăn Tết với vợ chồng con trai. Biết con xa quê đã lâu, nên dù ỳ ạch hơn 40kg hành lý, ông bà cũng cố gói ghém chút vị Tết năm nào để con khỏi vì miệt mài mưu sinh nơi xứ người mà mất gốc.
Nào là bánh chưng cho con, nào là cây đào nhỏ cho cháu, và dĩ nhiên, không thiếu hũ dưa hành "bát ngát" mùi ký ức.
Tự tay muối từng cọng hành lát dưa, lại phải vượt qua ải máy bay một cách đầy gian nan, hai ông bà chắc mẩm con trai sẽ sướng rơn, hài lòng với hai cụ thân sinh tuy già nhưng chưa lẩm cẩm.
Nhưng khi chưa kịp biết con trai sung sướng thế nào thì hũ dưa hành đã… vào sọt rác. Khốn khổ thay, người "hoá kiếp" cho hũ dưa lại chính là kẻ đầu ấp tay gối với đứa con trai mà họ dứt ruột đẻ ra - cô con dâu đáng mến.
Lý do vứt hết sức đơn giản: Dưa muối trong hộp nhựa ảnh hưởng đến sức khoẻ cả nhà. Lẽ dĩ nhiên, có ai không giận tím ruột khi thành quả gửi gắm cả tấm lòng mình trong đó bị vứt bỏ không thương tiếc. Nhưng hai ông bà lại chọn cách im lặng.
Chính điều này khiến kẻ ở cửa giữa – ông chồng lâm vào cảnh khó xử. Một bên là người vợ với phương châm "bảo vệ sức khoẻ gia đình là trên hết", một bên là bố mẹ đã khổ công mang tấm thân già cỗi ra hành hạ để chuẩn bị món quà Tết quê cho con.
Anh chẳng biết giải quyết làm sao, vì đứng về phe ai cũng làm gia đình lục đục. Chưa hết bàng hoàng, bố mẹ bất ngờ đi thêm bước nữa khi đòi mua vé máy bay về lại Hà Nội. Chậm giải quyết sự việc thêm một khắc giây nữa đồng nghĩa cái Tết đoàn viên của gia đình anh cũng không còn.
Mục đích mà anh chồng đăng tải là để tìm được phương pháp giải quyết tốt nhất từ cư dân mạng. Nhưng dường không cần hỏi, anh cũng đã có quyết định cho riêng mình.
Có ai làm dâu lại tự tiện vứt quà của bố mẹ chồng mang từ quê vào sọt rác không nhỉ? Mà chẳng cần bố mẹ chồng, thẳng tay đem bỏ tặng phẩm của người khác dành cho mình khác nào không tôn trọng họ.
Thế mà người vợ vẫn ngang nhiên làm tất cả, với cái lý do đầy tính khoa học và lý trí, liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: Cô là vợ, cô có nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ cho cái gia đình này, cho cả nhà này.
Tôi chưa từng nghe trường hợp nào tử vong khi ăn dưa hành muối trong hũ nhựa. Và dù nó có tổn hại cho sức khoẻ thật, đứa con dâu cũng nên giải thích cặn kẽ cho cha mẹ chồng hiểu.
Đằng này cô tự biến mình từ con dâu, đầu bếp thành "siêu nhân", gánh vác nhiệm vụ bác sĩ tại gia, triệt hạ tất cả các nguồn có nguy cơ gây bệnh cho gia đình bằng mọi cách. Thậm chí, cô còn oán trách họ trước mặt chồng rằng già nên bướng, "không chịu lắng nghe" điều tốt.
Những lời nó đó đã mặc nhiên biến cô ngang hàng với bậc trưởng thượng, bởi có ai là con lại đi so đo, tính toán với mẹ cha "từng đồng từng cắc".
Có chắc rằng chồng cô sẽ không mệt mỏi khi uống rượu bia quá đà, có chắc rằng con cô sẽ không đổ bệnh nếu chẳng may dị ứng với quá thức ăn nhiều thịt thà ngày Tết.
Lúc ấy, hũ dưa muối mang tiếng "kém an toàn" kia có thể là bài toán để giải quyết chuyện no xôi chán chè, và quan trọng hơn còn để gia đình ôn lại quãng đời gian khó.
Thay vì chọn cách cùng chồng giúp cha mẹ nhận ra tác hại của việc muối dưa trong hũ nhựa, cô con dâu lại tự ý dùng biện pháp cứng rắn. Lỡ chẳng may vì chuyện này mà tình cảm vợ chồng cô rạn nứt, biết còn cái gia đình nào để cô bảo vệ sức khoẻ.
Vứt bỏ hũ dưa hành bố mẹ đem từ quê vào, cô cũng vứt luôn hạnh phúc gia đình đã gầy dựng bấy lâu vào sọt rác.
Tác giả bài viết: Thiên Kim
Nguồn tin: